.

Nỗi lo trẻ em tự kỷ

.
Do bận công việc, các bậc phụ huynh ít có thời gian chăm sóc con, thường để chúng tự chơi, xem ti-vi nhiều... dần dần trẻ em rơi vào tình trạng ngại giao tiếp, không phát triển ngôn ngữ, có những hành vi dị biệt so với trẻ cùng tuổi (còn gọi là tự kỷ).

Mô tả ảnh.
Giáo viên người Nhật chăm sóc trẻ em tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Phát triển quá sớm cũng lo

Khoa Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Hầu hết các em điều trị ở đây bước vào tuổi đi học, tuy nhiên khó hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa do có những hành vi khác thường khiến cô giáo và cha mẹ các em lo lắng. Chị Nguyễn Thị Lan Châu, có con trai 4 tuổi điều trị ở đây cho biết: “Cháu biết nói từ rất sớm, sáng dạ lắm, tôi hay dẫn cháu đi siêu thị nên cái gì nó cũng biết. Khi đi học, lúc đầu nó tỏ ra nhanh nhẹn, luôn phát biểu ý kiến trước lớp học. Tuy nhiên, về sau, tôi thấy cháu ít nói dần. Có khi một ngày cháu chỉ nói vài câu làm gia đình rất lo vì không biết mắc bệnh gì. Tìm hiểu cô giáo thì được biết trên lớp cháu không bị tác động hay dọa nạt”.

Trường hợp cháu N.V (6 tuổi), anh Nguyễn Long, phụ huynh của cháu kể, V. khá thông minh, thậm chí cả nhà nghĩ là thần đồng, biết chữ từ khi 4 tuổi, nhưng dần dần cháu có những dấu hiệu khác biệt, tách biệt mọi người, ít nói.

Cháu T.Q (4 tuổi, trú tại quận Thanh Khê) là một ví dụ khác. Do bố mẹ đều là giáo viên ngoại ngữ nên khi còn nhỏ cháu có thể tập nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh. Khi có dấu hiệu của bệnh tự kỷ, cháu hầu như quên hẳn từ vựng tiếng Việt và chỉ còn phát âm một số từ tiếng Anh. Kèm theo đó, trong sinh hoạt, T.Q cũng có các cử chỉ khác thường.

Ngược với những trường hợp trên, một số trẻ khi đưa đến cơ sở điều trị thường không chịu nói, ngại giao tiếp và khuyết các sinh hoạt bình thường so với trẻ cùng tuổi. Việc chậm tiến này lại được nhiều phụ huynh chủ quan cho là bình thường, từ từ trẻ sẽ tự khắc phục mà không nghĩ con mình đã mắc bệnh tự kỷ, không có hình thức chữa trị kịp thời. Hầu hết các bậc phụ huynh khi biết con mắc bệnh tự kỷ đều tỏ ra bất ngờ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ tới các cơ sở y tế ở Đà Nẵng khám và điều trị ngày càng tăng, khoảng 40 đến 50 em/năm. Đây là căn bệnh phổ biến đang gây hoang mang cho không ít gia đình. Tuy vậy, việc phát hiện, điều trị sớm không phải bố mẹ nào cũng làm được.

Phát hiện, can thiệp kịp thời

Yếu tố nguy cơ của căn bệnh này, theo nhiều chuyên gia, là cha mẹ bận rộn với công việc đã tách con ra quá sớm hoặc trong thời gian mang thai 3 tháng đầu bà mẹ bị nhiễm vi-rút hoặc do di truyền. Về mặt phân tâm học, tách trẻ quá sớm ra khỏi hơi ấm của mẹ sẽ làm trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập.

Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trẻ cần được phát hiện sớm những dấu hiệu chậm phát triển hoặc có những biểu hiện khác thường. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành các bài kiểm tra để đánh giá nguy cơ và trẻ có bị mắc bệnh tự kỷ không để can thiệp. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ chậm nói là bình thường, nhưng có khi đó lại là một biểu hiện của tự kỷ”.

Trở lại trường hợp của cháu N.V, sau khi được chẩn đoán và có hướng điều trị tích cực, hiện tại tình trạng sức khỏe và tinh thần của cháu đã cải thiện đáng kể. Vợ chồng anh Long đã cắt giảm thời gian làm việc trong ngày để quan tâm, vui đùa, chơi chung với con. Anh Long phấn khởi: Mùa hè này, N.V đã chịu để cho ba chở đi tập bơi ở hồ, cháu cũng đã vui đùa cùng bạn học ở trường.

Tại khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Đà Nẵng, số lượng trẻ bị tự kỷ tới bệnh viện ngày càng nhiều. Tại đây, các cháu được tham gia các buổi học can thiệp ngôn ngữ và hành vi, mỗi tuần 3 buổi. Nhờ việc can thiệp kịp thời, nhiều cháu đã có thể đến trường học bình thường. Các bác sĩ lưu ý, khi chăm sóc tâm lý trẻ tự kỷ ở nhà bố mẹ cần tránh mắng mỏ, dọa dẫm khi cho trẻ ăn và hạn chế trao đổi những chuyện không hài lòng trong cuộc sống và công việc trong bữa ăn trước mặt trẻ. Nhiều khi, cho cháu ăn với bạn bè cùng lứa tuổi lại tạo nên không khí vui vẻ và ganh đua nên cháu sẽ ăn tốt hơn.

Bài và ảnh: DIỆU MINH
;
.
.
.
.
.