.

Ông Tây và những nạn nhân da cam

.
Vào một ngày giữa tháng 6, trong căn phòng nhỏ tại 522 Ông Ích Khiêm - Trụ sở của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, mọi người đang chăm chú nghe câu chuyện của một người đàn ông đến từ đất nước của các vị thần Hy Lạp. Ông là Kostas Sarantidis, người mà chúng tôi gọi với cái tên rất thân thương: Bác Lập.

Mô tả ảnh.
Ông Kostas Nguyễn Văn Lập (thứ ba, trái sang) cùng đại biểu CCB Trung đoàn 803 và các cô ở Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 giao lưu và tặng quà cho Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.
 
Sẽ không có gì đặc biệt nếu câu chuyện không kể về một con người mà chuỗi dài cuộc đời gắn liền với mảnh đất Việt Nam. Đối với ông, Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là hơn 50 năm trước đây, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Cũng như bao người con đất Việt, ông đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chấp nhận bao hy sinh, gian khổ ác liệt, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 20 năm sống và hoạt động ở Việt Nam vào những thời khắc đặc biệt, ông đã vinh dự nhiều lần được gặp Bác hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta...

Trong lần đến thăm Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố này, ông nói, bên cạnh niềm vui khôn tả khi nhìn thấy những thành quả to lớn của đất nước và con người Việt Nam hôm nay, tim ông đã thực sự nhói đau khi được biết rằng những người đồng đội, đồng chí của ông, những người đã cùng ông không tiếc xương máu cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, ấm no cho đất nước hôm nay, lại đang gồng mình gánh chịu nỗi đau thương tột cùng bởi thứ chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Về với Đà Nẵng lần này, bên cạnh việc thăm lại những người bạn chiến đấu cũ của ông tại Trung đoàn 803, Liên khu 5, ông đã đóng góp 70 triệu đồng (từ số tiền bán sách của mình) để giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam.

Chúng tôi rất cảm động khi được biết rằng để làm được điều này, ông đã cặm cụi viết hồi ký về cuộc đời mình, in ra và tự mình đến từng nhà, từng người dân Hy Lạp để vận động và bán sách. Thậm chí, ông còn bớt cả tiền ăn sáng của mình dành dụm mà ngay cả người vợ thân thiết của ông cũng không hề hay biết.

Đặc biệt, trong hai năm 2009-2010, Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam đã 2 lần quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng với số tiền 12.000 USD, một phần trong đó là nhờ vào sự lan tỏa và nhiệt tâm từ tấm lòng của ông dành cho các nạn nhân bất hạnh.

Sâu thẳm trong mỗi trái tim chúng tôi, ông là một người trung nghĩa, chúng tôi thầm cảm ơn với những gì mà ông đã dành cho đất nước Việt Nam, dành cho các nạn nhân chất độc da cam đầy bất hạnh. Chúng tôi cầu mong ông luôn được mạnh khỏe, để được một lần nữa gặp lại ông, được nghe ông kể chuyện và quan trọng hơn là một lần nữa được nhìn thấy một con người với một trái tim đầy nhân ái.

Vừa qua, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hữu nghị và quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho bác Lập. Ban liên lạc Trung đoàn 803 cũng đã hoàn thành quyển sách “Chiến sĩ quốc tế - Bộ đội cụ Hồ - Kostas Nguyễn Văn Lập”, do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành vào tháng 8-2011; đồng thời sẽ trích một khoản tiền bán sách để góp vào Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, như nguyện vọng từ lâu của bác Lập.
 
NGUYỄN THỊ HIỀN
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng
;
.
.
.
.
.