Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm định kỳ nhằm thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là dịp để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cấp cơ sở để tham gia xây dựng chính quyền. Bà HÀ THỊ MINH PHƯỢNG (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết đã có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng về nội dung này.
* P.V: Thưa bà, lần này lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, vậy có gì khác so với những lần trước?
- Bà Hà Thị Minh Phượng: Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần này theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ tại phường, xã, thị trấn có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 (thay thế cho Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã) và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-MTTQVN giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Do đó, thành phần tham gia lấy phiếu tín nhiệm có mở rộng hơn trước. Những người tham gia lấy phiếu tín nhiệm gồm: Các thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, thành viên Ban Thường vụ các tổ chức chính trị-xã hội cấp phường (Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân), Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Bí thư Chi bộ khu dân cư, Tổ trưởng dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Riêng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 11 xã huyện Hòa Vang vừa mới được bầu trong năm nay nên không phải lấy phiếu tín nhiệm trong đợt này.
* P.V: Người dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người đảm nhận 2 chức danh này như thế nào, thưa bà?
- Bà Hà Thị Minh Phượng: Theo quy trình, những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thông báo về kế hoạch, thời gian, địa điểm tổ chức và được yêu cầu chuẩn bị bản kiểm điểm trước ít nhất 30 ngày. Trưởng Ban công tác Mặt trận phối hợp với Tổ trưởng dân phố tổ chức cuộc họp lấy ý kiến nhân dân trong tổ góp ý vào bản kiểm điểm. Người được lấy phiếu tín nhiệm được mời dự cuộc họp này. Cuộc họp phải bảo đảm có quá 50% số đại biểu đại diện cho nhân dân tham gia. Tại cuộc họp tổ dân phố, nhân dân được phát huy quyền dân chủ trực tiếp là góp ý vào bản kiểm điểm và ý kiến được ghi vào biên bản để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
Tại hội nghị này, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ trình bày bản kiểm điểm và giải trình những vấn đề do các đại biểu dự hội nghị nêu ra. Bản tổng hợp ý kiến của người dân cũng được đọc trước hội nghị. Sau khi thảo luận, các đại biểu chính thức thuộc thành phần tham gia lấy phiếu tín nhiệm như tôi đã nói trên sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Hội nghị này chỉ được tiến hành khi bảo đảm có trên 50% đại biểu chính thức. Đây là những người đại diện cho nhân dân thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay sau đó.
* P.V: Mặt trận có kế hoạch tuyên truyền như thế nào để người dân tích cực tham gia xây dựng chính quyền qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm này?
- Bà Hà Thị Minh Phượng: Cùng với triển khai kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, Mặt trận các cấp của thành phố cũng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền trong nhân dân về việc này. Yêu cầu tuyên truyền đặt ra là phải làm cho nhân dân hiểu rằng: Đây là dịp để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện tham gia xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh.
Đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên thì đây là một kênh thông tin hỗ trợ để đánh giá năng lực, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Từ đó định hướng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và quy hoạch cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm thì có dịp soi rọi bản thân mình, lắng nghe dân, hiểu dân để làm tốt hơn và kịp thời khắc phục, điều chỉnh những hạn chế của bản thân. Qua đó tiếp tục xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
* P.V: Cảm ơn bà !
SƠN TRUNG (thực hiện)