Đam mê với các phần mềm cùng chiếc điện thoại di động, ba chàng trai mới 21 tuổi ở Đà Nẵng đã có nhiều sáng tạo thú vị, bổ ích và có thể ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Từ trái qua: Lê Anh Tiến, Doãn Hà Tiên, Trương Văn Phước Tiến đang trao đổi về chương trình phần mềm. |
Tiến nhỏ tâm sự: “Xuất phát từ thực tế học tập và làm việc, em đã nghĩ ra các phần mềm cài đặt có thể ứng dụng giúp chúng em học tập được tốt hơn, cung cấp thông tin cần thiết như: Thời tiết, giá vàng… để mọi người thuận lợi hơn trong công việc”. Phần mềm gồm bảy ứng dụng chính: All In One (tra cứu danh bạ VNPT, tra cứu mã vạch, tra từ điển, dịch đoạn văn, thông tin thời tiết, giá vàng/tỷ giá, lịch truyền hình…); Thăng Long - Hà Nội; Học Lịch sử (trắc nghiệm theo bài học, trắc nghiệm ngẫu nhiên…); Các triều đại lịch sử Việt Nam; Học tiếng Anh; Thư giãn; All In One SMS. Sau 3 năm mày mò nghiên cứu, phần mềm đã hoàn chỉnh và được các bạn của Tiến, Tiên đón nhận nồng nhiệt. Chỉ với chiếc điện thoại trong tay, các bạn hoàn toàn có thể học tiếng Anh, lịch sử, tin học, hóa học...
Hệ thống tra từ điển, dịch đoạn văn giúp các bạn có nhiều điều kiện tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh trong đời sống hằng ngày; hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, học tập, nghiên cứu dựa trên hệ thống thông tin toàn cầu. Đặc biệt, phần mềm tra cứu mã vạch đã giúp các bà nội trợ yên tâm mua sắm sau khi kiểm tra hàng là thật hay giả bằng cách tra cứu mã vạch ngay trên chiếc điện thoại di động nhỏ xíu. “Mẹ em lúc đầu còn phàn nàn vì bọn em suốt ngày chúi mũi vào máy vi tính, sau không còn la nữa mà lại rất thích thú với những tính năng như kiểm tra hàng bằng mã vạch, xem thông tin thời tiết hay xem chương trình ti-vi tối nay có gì” - Tiến lớn cười bộc bạch. Hệ thống tra cứu mã vạch của chương trình giúp người sử dụng có thể biết được chính xác thông tin về xuất xứ, giá cả, chất lượng của hàng hóa để đưa ra lựa chọn phù hợp khi quyết định mua một sản phẩm cụ thể.
Chương trình phần mềm này còn hỗ trợ nhiều ngôn ngữ cho người dùng lựa chọn. Đặc biệt là có hỗ trợ tiếng Việt cho điện thoại BlackBerry. Hệ thống có thể chạy được trên các dòng điện thoại có hỗ trợ Java và các hệ điều hành như Symbian (của Nokia), Android (của Google), Meego (của Nokia), Rim (của BlackBerry), ios (của Apple), Ipad… Đặc biệt là phần gửi tin nhắn miễn phí cho tất cả các mạng, giúp người dùng tiết kiệm chi phí rất nhiều. Một tin nhắn SMS, dài khoảng 160 ký tự, giá 250 đồng, trong khi chi phí GPRS trung bình của các nhà cung cấp dịch vụ dao động khoảng 91 - 150 đồng/10KB (10KB tương đương 10.000 ký tự). Như vậy so với tin nhắn, sử dụng GPRS có chi phí rẻ hơn rất nhiều lần. Còn nếu sử dụng Wi-Fi thì hoàn toàn miễn phí.
Tiến nhỏ tâm sự: Có trường hợp, một số ứng dụng bị đổi trang web, cơ sở dữ liệu không cập nhập được, bạn bè tra dữ liệu không ra liền điện thoại đến, vậy là cả ba anh chàng toát mồ hôi đến tận 1 giờ sáng hôm sau mới xử lý xong. Những lần như vậy lại có thêm nhiều kinh nghiệm quý. Theo Tiến thì sắp đến, các bạn sẽ phát triển thêm chức năng đăng ký tín chỉ qua mạng di động, để giảm bớt tình trạng nghẽn server của nhà trường, khi các sinh viên đăng ký tín chỉ qua mạng máy tính và phát triển thêm chức năng SMS-Banking, giúp các bạn đóng tiền học phí qua hệ thống này một cách nhanh chóng. Tiến bật mí, đề tài của các bạn đã được chọn để tham dự Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2011, còn kết quả thì hãy cùng chờ nhé.
Bài và ảnh: Kim Ngân