.

Vị Trưởng ty Công an anh hùng

.

Kỷ cương, nghiêm túc, thương yêu đồng đội, thông minh, táo bạo trong đánh địch là những yếu tố được hội tụ trong ông Hoàng Văn Lai, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời, nguyên Trưởng ty Công an tỉnh QN-ĐN, Anh hùng LLVTND.

 

Mô tả ảnh.
Đồng chí Hoàng Văn Lai (quấn khăn, đứng giữa) và cán bộ chiến sĩ Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà.

 

Đầu năm 1964, chiến trường Quảng Đà vô cùng khốc liệt, Mỹ-ngụy ra sức đàn áp, bắn giết nhân dân hết sức man rợ, ông Hoàng Văn Lai luôn khát khao trở lại quê hương đầy máu lửa để cùng với dân bám đất, chiến đấu chống kẻ thù. Một buổi sáng trung tuần tháng 3 năm ấy, ông tìm đến Ban Thống nhất Trung ương để xin về lại quê hương chiến đấu. Người cán bộ khuyên: “Đồng chí cứ yên tâm. Nhiệm vụ của đồng chí hiện tại trên đất Bắc cũng góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đó mà”. Giọng ông như nghẹn lại: “Anh à! Trong lúc những người con thân yêu của miền Bắc đang ngày đêm rầm rập chi viện cho chiến trường miền Nam thì làm sao tôi có thể yên tâm ở đây được.

Tôi muốn trực tiếp cùng bà con quê mình cầm súng, có chết cũng cam lòng”. Trước đề nghị thiết tha đó, ông được Trung ương chấp thuận. Về quê hương yêu dấu, ông được cấp trên giao giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 25, Tỉnh đội Quảng Đà. Cuộc “Chiến tranh cục bộ” diễn ra,  Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Lúc này, với vai trò là Phó Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, ông đã cùng với Ban Thường vụ chỉ đạo  đấu tranh, tiêu diệt bọn ác ôn, nợ máu, lôi kéo những người bị bắt lính quay về với cách mạng. Trong công tác diệt ác, trừ gian, ông luôn nhắc nhở lực lượng an ninh, du kích rằng: “Chúng ta chỉ loại bỏ những tên cầm đầu, khát máu đối với chính bản thân nó. Tuyệt đối không được gây tổn hại đến người thân của kẻ thù”. Với quan điểm chỉ đạo hết sức đúng đắn đó, lực lượng an ninh, du kích Duy Xuyên đã lập được nhiều chiến công vang dội và không làm oan một người nào. Tuy với cương vị là Bí thư Huyện ủy, song trong chiến thuật đánh địch ông lại rất dày dạn nghiệp vụ an ninh. Trong trận tấn công vào Chi khu Duy Xuyên, tiêu diệt một số tên ác ôn khét tiếng và bắt sống được Lê Công Khanh, Chi khu trưởng. Trên đường dẫn giải, Khanh run cầm cập và luôn nghĩ cuộc đời mình sẽ chấm dứt bởi Việt cộng sẽ không dung tha một kẻ như ông. Sau khi các cán bộ an ninh huyện hỏi cung, Khanh được gặp trực tiếp Hoàng Văn Lai. Ông hỏi: “Ông Khanh nè, ông có muốn cách mạng cho về sống với gia đình không?”. Ông ta không nói gì, bởi cứ tưởng đó chỉ là những lời đùa cợt của vị Bí thư Huyện ủy. Thế nhưng Khanh được phóng thích về với vợ con thật. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến thái độ chính trị của Khanh mà binh lính, ngụy quyền nhận diện rõ hơn sự khoan hồng của cách mạng.

Tháng 8-1968, ông được giao giữ chức Trưởng Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà (BANĐKQĐ) cũng là lúc địch điên cuồng càn quét, đánh phá trên diện rộng, lùa xúc dân vào các khu dồn, xe tăng, đại bác, chất độc hóa học luôn cày xới, băm nát mảnh đất Quảng Đà, biến nông thôn thành các vùng đất chết. Cùng với bạo lực quân sự, địch tung các mạng lưới thám báo, gián điệp, biệt kích với nhiều phương tiện hoạt động phục vụ cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đòi hỏi lực lượng an ninh phải được thay đổi chiến thuật. Ông luôn dặn dò trinh sát: “Chúng ta không chỉ có đánh trúng mà cái quan trọng hơn là phải đánh thật hiểm, nhằm vào bọn ác ôn, khát máu, thọc sâu vào tận hang ổ, sào huyệt của địch mới làm lung lay ý chí tàn sát của kẻ thù”. BANĐKQĐ đã kiên quyết bám đất, dựa vào dân để tiêu diệt địch ở khắp địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là Đà Nẵng và các thị xã, thị trấn. Thời gian này, một số cán bộ, cơ sở cách mạng không chịu đựng được gian khổ đã phản bội, trong đó có cả Quận ủy viên, làm cho mạng lưới an ninh nội thành gặp rất nhiều khó khăn, có người phải hy sinh, có người bị địch bắt tra khảo dã man, tàn bạo. Một số điệp báo hoạt động trong lòng địch bị lộ nên phải rút về tuyến sau. Ông chỉ đạo lực lượng an ninh các quận bằng mọi giá phải trừng trị bọn chiêu hồi, chỉ điểm và một số tên đã bị trừ khử.

Để chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng, BANĐKQĐ quyết định di chuyển trụ sở từ căn cứ Hòn Tàu về tại Thanh Quýt, Điện Bàn và cử trinh sát vào lót trước trong nội thành. Sáng 29-3-1975, 4 Đại đội của BANĐKQĐ: C110, C111, C113 và C114 đồng loạt tấn công vào Đà Nẵng, chiếm lĩnh các trụ sở của địch. Riêng ông chỉ huy một cánh quân tiếp quản Ty cảnh sát Quốc gia Đà Nẵng, nơi có nhiều tài liệu tối mật của địch, đồng thời chỉ đạo truy bắt bọn ác ôn, đảng phái chống đối.

Sau ngày giải phóng, tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu được hình thành với quy mô lớn nhất miền Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã có một hệ thống tổ chức từ cấp Trung ương tới cơ sở. Tháng 10-1977, lực lượng Công an đã nắm được thông tin về tổ chức này, do đó ông quyết định lập án đấu tranh. Bọn phản động lấy vùng rừng núi phía tây huyện Hòa Vang làm mật khu và móc nối với một số tên ở các tỉnh miền Trung để phình to lực lượng.Theo dự định của bọn chúng, ngày 30-12-1977 sẽ tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền bằng bạo lực quân sự. Để ngăn chặn mưu đồ này, đồng thời phục vụ cho công tác phá vỡ toàn bộ tổ chức của chúng đang ẩn nấp tại các vùng rừng núi rộng lớn, ông cho bắt trước Nguyễn Văn Bảy để đấu tranh. Như rắn mất đầu, tổ chức phản động phải co lại, sau đó Nguyễn An Dân lên thay chức “Chủ tịch mặt trận” của Bảy để tiếp tục duy trì chống phá. Bọn phản động dựa vào rừng núi hiểm trở để củng cố lại lực lượng. Ngày 23-7-1978, ông từ Đà Nẵng khẩn cấp vào “Mật khu Nam Yên” để chỉ đạo trực tiếp lực lượng truy bắt số tên còn lại nhưng trên đường tới trận tuyến, ông bị địch phục kích và đã hy sinh. Sau đó, tổ chức phản động bị ta triệt hạ nhưng ông đã mãi mãi không về. 

Những chiến công vang dội của BANĐKQĐ đều gắn với tên tuổi của ông. Suốt chặng đường dài thoát ly tham gia kháng chiến và phục vụ trong lực lượng Công an, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn kiên định con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tuyệt đối trung thành với Đảng, dũng cảm, mưu lược trong đối sách với kẻ thù. Ở ông luôn tỏa sáng lối sống thanh cao, bình dị và khiêm nhường đến vô cùng.

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.