.

Ai quản lý hệ thống cấp nước sạch nông thôn?

.
Nông thôn ở Đà Nẵng chỉ có 118 thôn của 11 xã, thuộc huyện Hòa Vang, dân số khoảng 110 nghìn người. Đáp ứng nhu cầu nước sạch cho khu vực này là 13 công trình nước tự chảy quy mô nhỏ do huyện Hòa Vang, các tổ chức phi chính phủ, Sở NN&PTNT triển khai tại các xã miền núi; nước thủy cục do Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cấp cho một số xã vùng đồng bằng; nước ngầm đã qua xử lý do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng cung cấp cho một số thôn ở 2 xã Hòa Khương, Hòa Phong.

Mô tả ảnh.
Xây dựng đường ống dẫn nước tự chảy tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc quản lý 13 công trình cấp nước sạch tự chảy tại các xã miền núi. Trong 13 công trình này, 6 công trình do huyện Hòa Vang đầu tư từ nhiều nguồn vốn, 3 công trình do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, số còn lại do Sở NN&PTNT triển khai. Mặc dù đầu tư khá nhiều kinh phí xây dựng, song đến nay, gần như tất cả các công trình này đều chưa được quản lý đến nơi đến chốn, thậm chí bị bỏ quên. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hệ thống cấp nước tự chảy trên địa bàn huyện Hòa Vang nhanh xuống cấp, thậm chí có công trình không còn tác dụng cấp nước.

Thực tế, sau khi các công trình cấp nước sạch hoàn thành việc xây dựng đi vào hoạt động, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương có tiến hành nghiệm thu và bàn giao. Địa phương cũng đã cử người quản lý, song không có kinh phí và quy chế rõ ràng nên dần rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Hệ thống cấp nước sạch cho thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc là một ví dụ. Công trình này lấy nước từ khe Ba Bi, do Chi cục Thủy lợi và PCLB thành phố triển khai cách đây khoảng 7 năm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Đường ống hơn 3km dẫn về thôn bảo đảm chất lượng.
 
Nhiều năm liền nước sạch cho thôn này không khi nào thiếu. Nhưng chỉ vì không có người quản lý, duy tu bảo dưỡng, tại điểm đầu mối và đường ống dẫn, mưa lũ làm cây cối, rác rưởi tấp đầy họng cấp nước gây tắc ống dẫn. Bên cạnh đó, đường ống dẫn nước không bố trí van xả cặn, gây khó khăn cho việc khắc phục mỗi khi bị tắc, bởi ống dài không biết tắc đoạn nào để sửa chữa, trong khi đã chôn ngầm dưới đất. Tình trạng này làm cho hơn trăm hộ dân ở Tà Lang có khi nhiều tuần liền thiếu nước sinh hoạt. Tương tự, hệ thống cấp nước sạch cho thôn Phú Túc, xã Hòa Phú mấy năm gần đây liên tục mất tác dụng. Hơn 30 hộ ở khu vực Hố Chình quanh năm chịu khát. Để có nước dùng, họ phải đi xa lấy về. Riêng hệ thống cấp nước tại thôn Trung Nghĩa và Hòa Trung, xã Hòa Ninh đã trở thành phế tích chỉ vì tắc đường ống dẫn nước. 

Công trình nước sạch tự chảy ở miền núi khai thác được nguồn nước thô khá trong lành đầu nguồn các con suối, nhưng đường ống dài, đi qua địa hình phức tạp, chịu tác động của lũ lụt, sạt lở đất nên rất dễ bị hư hỏng. Sự hư hỏng này càng đến nhanh khi không được bảo quản, duy tu bảo dưỡng. Anh Trần Văn Vân, trưởng thôn Tà Lang cho rằng:  Hệ thống cấp nước sạch cho thôn bị tắc như vừa qua chỉ vì tại điểm đầu mối bị rác rưởi, đất đá phủ kín, làm tắc nghẽn đường ống. Nếu có người chịu trách nhiệm quản lý, thường xuyên lên đó duy tu bảo dưỡng thì đâu đến nỗi. Thôn đã kiến nghị cấp trên cần có quy chế hẳn hoi và cấp kinh phí để quản lý hệ thống nước sạch này. 

Ông Nguyễn Hạnh, Trưởng phòng Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Chi cục Thủy lợi và PCLB thành phố cho biết: Các hệ thống cấp nước sạch tự chảy được xây dựng khá cơ bản, nhưng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng. Vừa qua, chi cục đã có phương án quản lý các hệ thống cấp nước tự chảy bằng cách ban hành quy chế, đồng thời lập tổ bảo vệ. Kinh phí cho hoạt động này từ hỗ trợ của thành phố và đóng góp của nhân dân. Riêng việc quản lý công trình tại 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho 2 người/thôn để quản lý hệ thống nước sạch theo chức năng chuyên trách.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
;
.
.
.
.
.