.

Anh Năm Công, người cán bộ có tinh thần tự động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm... từ thuở thiếu thời

Năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp đổ. Ngày 28 tháng 9 năm 1939, Toàn quyền Catơru ra Nghị định giải tán Hội ái hữu, nghiệp đoàn, thi hành chính sách thời chiến. Ngày 5 tháng 10 năm 1939, Bảo Đại ký dụ cấm tuyên truyền cộng sản. Bọn thực dân Pháp và bù nhìn thẳng tay đàn áp cách mạng. Các đồng chí Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt, hiệu sách Việt Quảng bị đóng cửa. Phong trào cách mạng Quảng Nam mất cơ quan lãnh đạo.

Anh Năm Công, người con của một làng quê ở phủ Tam Kỳ. Anh đang làm Bí thư Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ, đã tự động ra các phủ, huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam đi tìm mối lập ra Tỉnh ủy lâm thời và cử người đi bắt mối với Xứ ủy và Trung ương.

Mùa hè năm 1940, tôi có may mắn được anh Võ Toàn và anh Nguyễn Sắc Kim trực tiếp giác ngộ cách mạng và giao nhiệm vụ phải vận động thêm người để lập tổ chức cứu quốc của xã Bàn Thạch. Sau khi tôi vận động đủ người báo cáo với các anh; các anh đưa đồng chí Trần Thượng Hàm đến lập Ủy ban vận động cứu quốc xã Bàn Thạch.

Đầu năm 1942, phong trào cách mạng phủ Duy Xuyên bị bể vỡ, đồng chí Hàm bị bắt, tỉnh điều đồng chí Tuyển (Trọng), cán bộ thoát ly của tỉnh đến thay đồng chí Hàm. Một thời gian ngắn, đồng chí Tuyển cũng bị bắt, tỉnh điều đồng chí Phạm Thị Đợi đến, nhưng sau đó đồng chí Phạm Thị Đợi cũng bị bắt ở Tam Kỳ. Chúng tôi bị mất liên lạc trong một thời gian. Theo hồi ký của anh Năm Công, thời gian này anh tạm lánh vào Phan Thiết, Bình Thuận. Nói tạm lánh nhưng vào đây anh cũng bắt mối xây dựng phong trào cách mạng của tỉnh Bình Thuận.

Mùa đông năm 1942, anh trở lại Quảng Nam. Chúng tôi lại được liên lạc trực tiếp với các anh.

Đầu năm 1943, Tỉnh ủy cho in và phát hành vé số cứu quốc nhưng bị lộ. Phong trào bể vỡ, nhiều cơ sở bị bắt, bọn mật thám ráo riết truy các anh. Gia đình tôi bị một cơ sở ở xã bên cạnh khai là bảo vệ cho các anh. Bọn mật thám đến bắt ba anh em tôi, rất may các anh chỉ vừa đi khỏi nhà tôi khoảng hơn một giờ.

Mùa thu năm 1943, anh và anh Nguyễn Sắc Kim bị bắt do các anh thu nạp tên Cao Tiến Khai, một tên chỉ điểm bổ sung vào làm cán bộ thoát ly của tỉnh. Nó đã mật báo nơi ăn ở của các anh để bọn mật thám đến vây bắt.

Nhìn lại quá trình hoạt động của anh Năm Công, tôi thấy anh là một cán bộ lãnh đạo gắn bó với phong trào, có nhiều đóng góp trong việc làm chuyển biến phong trào cách mạng của quần chúng.

Thời kỳ thứ nhất là khi anh làm Bí thư Liên Khu ủy V từ năm 1959 đến năm 1961. Khi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổ ra, anh tổng kết và phát động một số cuộc khởi nghĩa ở trong Liên khu và ở Quảng Nam. Sau đó, anh vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Thời kỳ thứ hai là thời kỳ nổ ra phong trào đồng khởi từ giữa năm 1964 đến đầu năm 1965. Năm 1964, có mặt  khách quan là sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ đã diễn ra sự khủng hoảng liên tục trong nội bộ bọn ngụy quyền; Diệm bị lật đổ, Dương Văn Minh thay rồi lại bị lật. Nguyễn Khánh - Trần Văn Hương lên thay, rồi Khánh - Hương bị lật đổ thay bằng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ. Đó là thời kỳ khủng hoảng triền miên của ngụy quyền và thời kỳ này cũng là thời kỳ khủng hoảng về chiến lược của đế quốc Mỹ. Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đang tính toán chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Giữa lúc đó, anh Năm Công từ Trung ương Cục miền Nam về lại Khu V, với kinh nghiệm đồng khởi ở Nam Bộ, anh đã góp phần đưa phong trào quần chúng nổi dậy phá ách, phá kèm giành thắng lợi, giải phóng đại bộ phận nông thôn, đồng bằng.

Thời kỳ thứ 3 là sau khi Hiệp định Paris, anh Năm Công, anh Hai Mạnh đi họp ngoài Trung ương, các đồng chí Thường vụ Khu ủy V và Quân khu ủy còn lại đã thực hiện Hiệp định Paris một chiều, làm cho phong trào gặp nhiều khó khăn và khi hai anh về với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đã chuyển hướng được phong trào lên.

Năm 1975, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, anh Năm Công có sự đóng góp rất lớn đối với việc giải phóng miền Nam. Khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị điện cho anh phải lên Đăk Lăk để gặp anh Văn Tiến Dũng và Bùi San. Trên đường đi, anh thấy địch rút bỏ cả Kon Tum và Pleiku, anh suy nghĩ rằng thời cơ đã đến nên điện xin ý kiến Bộ Chính trị đề nghị cho đánh giải phóng Đà Nẵng. Khi Bộ Chính trị trả lời “thấy được thì cứ làm đi”. Anh điện báo cho các anh Dũng và San là không lên được và quay về luôn cơ quan Khu ủy họp Thường vụ Khu ủy và cũng điện cho Quảng Đà là anh se quay lại hướng  Quảng Đà, Quảng Đà phải chuẩn bị. Ngày 21 tháng 3, anh điện cho Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà lên cơ quan Khu ủy để nhận lệnh. Lúc bấy giờ, Thường vụ Đặc khu có nhiều đồng chí nhưng ở nhà chỉ có tôi, anh Phan Hoan và anh Hồng Quang. Tôi lên cơ quan Khu ủy nhận lệnh, đồng thời mời họp Thường vụ Đặc khu ủy vào ngày 24 tháng 3. Khi lên nhận lệnh, anh Năm Công nói rất rành rọt và giao nhiệm vụ: “Thời cơ đến thì các anh phải dùng lực lượng quân sự và chính trị địa phương để giải phóng. Có 3 phương án để giải phóng: Một là dùng lực lượng quân sự và chính trị địa phương giải phóng; hai là có Sư đoàn 2 tham gia; thứ ba là phải chờ lực lượng Bộ Tổng Tham mưu nhưng nếu chờ thì phải 15 đến 20 ngày mới lật được tình thế”.

Đó là ý kiến của anh Năm Công. Chúng tôi về và cứ theo lệnh của anh chuẩn bị lực lượng quân sự, chính trị của Quảng Đà trên tinh thần tự giải phóng Đà Nẵng, còn việc tham gia của các lực lượng của trên như thế nào đó thì tùy.

Thứ hai là trong chuyện linh hoạt, tiến công, sáng tạo của anh Năm Công: Khi chúng tôi nhận lệnh, anh bàn với Thường vụ Khu ủy như thế nào chúng tôi không biết. Sáng ngày 28 tháng 3, anh Năm Công đến cơ quan Quảng Đà, giao nhiệm vụ: tối 29 phải tiếp cận, sáng 30 đánh và tiến công vào giải phóng Đà Nẵng. Nhưng khi ra cơ quan tiền phương của tỉnh, tình hình diễn biến không theo dự kiến ban đầu: Ngày 28 tháng 3, ở Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm, lính ngụy nổi dậy rã ngũ và đêm đó chúng tôi đã gặp những người lính này, cũng ngay trong đêm đó, tôi điện báo cáo tình hình trên và nói rõ thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Sáng ngày 29, anh Bắc (Trần Hưng Thừa), Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư Quận ủy quận Nhất từ trong thành phố gửi thư ra báo cáo: “Ngô Quang Trưởng đã bỏ chạy từ 22 giờ ngày 28 tháng 3, thành phố Đà Nẵng bỏ ngỏ… cho quân vào ngay để giải phóng thành phố”. Tôi trao đổi với anh Phan Hoan và điện cho anh Năm Công và anh Hai Mạnh rằng: Không phải chờ đến ngày 30, xin cho lệnh để vào giải phóng Đà Nẵng, khoảng 11, 12 giờ trưa, anh Phan Hoan nhận được điện của anh Năm Công và Hai Mạnh trả lời là đồng ý. Như vậy, chúng ta thấy, nếu như không có ý kiến nảy sinh của anh Năm Công về chuyện xin ý kiến Bộ Chính trị quay về giải phóng Đà Nẵng và anh Năm Công tiếp tục đi lên gặp anh Văn Tiến Dũng, Bùi San theo điện của Bộ Chính trị thì chúng ta sẽ bỏ mất thời cơ giải phóng Đà Nẵng hoặc việc giải phóng Đà Nẵng phải kéo dài ra và như thế không biết sẽ có chuyện gì, tổn thất thế nào? Đó là một chuyện mà chúng ta ai cũng thấy và qua đó để thấy rằng vai trò của người lãnh đạo quan trọng như thế nào.

Tôi cũng nhớ lại là trước khi nhận điện của anh Năm Công, tôi và anh Lê Công Thạnh có trao đổi rằng: theo kinh nghiệm giải phóng năm 1972 ở Đông Hà-Quảng Trị là địch ở Huế bị dao động, trong tình hình bứt rút cả Tây Nguyên thì thời cơ đến, mình đề nghị trên cứ cho đánh giải phóng Đà Nẵng, bọn tôi đã suy nghĩ, đã trao đổi với nhau như vậy mà không dám điện lên Khu, sợ Khu nói mình “sứa dám nhảy khỏi đăng” còn đồng chí Năm Công cũng suy nghĩ và điện xin ý kiến Trung ương. Đó là việc dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của một đồng chí lãnh đạo.

Nói anh Năm Công, phải thấy sự trưởng thành của anh; anh sinh ra, lớn lên trong phong trào đấu tranh chống Pháp của các tầng lớp nhân dân Quảng Nam diễn ra liên tục, anh tiếp thu được tinh thần yêu nước đó.

Gia đình anh là một gia đình yêu nước, cha, chú, anh đều tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cần thấy yếu tố đầu tiên tác động đến ý thức giác ngộ và tham gia hoạt động của anh Năm Công để nhận rõ cả quá trình hoạt động cách mạng từ buổi ban đầu đến lúc trưởng thành, anh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Năm lên 12 tuổi (1925), anh đã đi dự lễ tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh, tức là trong thời niên thiếu đó, anh đã có sự giác ngộ yêu nước rồi, và đến khi tham gia cách mạng, vào Đảng, anh làm Bí thư chi bộ, từ Bí thư chi bộ lên Tổng ủy viên, Phủ ủy viên, Bí thư Phủ ủy, rồi trong tình hình phong trào cách mạng Quảng Nam bể vỡ, Tỉnh ủy mất liên lạc với Trung ương thì anh Năm Công thành lập Tỉnh ủy, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng nam. Từ Bí thư Tỉnh ủy, anh Năm Công vào Khu ủy, rồi Bí thư Khu ủy, sau này lên Trung ương, anh vào Bộ Chính trị làm Chủ tịch nước. Có thể nói trong tất cả cán bộ người Quảng Nan, có nhiều người có học thức, cũng qua đấu tranh rèn luyện nhưng phải nói anh Năm Công là người tiêu biểu, có nhiều cống hiến quý báu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước mà nhiều đồng chí đã viết về anh.

Sự trưởng thành đó của anh là thực tế, đây còn là một bài học kinh nghiệm trong việc đào tạo cán bộ để xây dựng Đảng. Ngày nay phải biết gắn giữa nhà trường và thực tiễn để tuyển lựa cán bộ có tâm, có tầm cho sự nghiệp xây dựng đất nước  vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và sự bền vững của chế độ.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, anh Năm Công luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực và môi trường công tác nhằm tạo điều kiện cho người cán bộ đó phát huy được năng lực của mình và gắn bó được quần chúng, gắn được với phong trào để làm đầu tàu, cốt cán, làm hạt nhân cho phong trào, đó cũng là bài học về bố trí cán bộ chúng ta cần phát huy.

Trần Thận  (*)
(Trích “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng”)
 
(*) Nguyên Khu ủy viên Khu V, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nhà nước.
;
.
.
.
.
.