.

Cây xanh làm đẹp thành phố

.
Giữa ồn ào náo nhiệt chốn thị thành, quý biết bao những giây phút được tĩnh lòng lắng nghe hơi thở của cây xanh trên phố, ngắm nhìn những luống hoa đua sắc ở công viên…

Mô tả ảnh.
Đường Bạch Đằng đẹp mắt trong sắc xanh.
 
Đường không vắng cây

Khi còn là sinh viên, với đôi lần vào Đà Nẵng, chúng tôi cứ nhớ “Đà Nẵng nắng lắm”. Bây giờ sống và làm việc ở Đà Nẵng, cái nắng năm nào trong ký ức tôi bắt đầu dịu lại, bởi Đà Nẵng hôm nay đường nào cũng có cây.

Kết quả đo đạc mới đây tại các gốc cây muồng tím ở đường Phan Đình Phùng (giao với đường Nguyễn Chí Thanh, nhiều người phải ngạc nhiên bởi có cây có đường kính gốc lên đến 120cm. Theo thống kê mới nhất từ Phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng thì trong tổng số 64.941 cây xanh bóng mát thì có đến 1.207 cây có đường kính gốc trên 50cm là những cây đa, đề, sung, sộp, muồng tím, phượng vĩ, vông đồng… những loại cây được trồng từ trước năm 1997.

Bên cạnh những loại cây đã trồng lâu năm, số lượng cây mới trồng chiếm tỷ lệ hùng hậu (51,7%), chứng tỏ sự đầu tư ngày càng quy mô của thành phố đối với cây xanh. Sự đa dạng về mặt chủng loại cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp đa sắc trong vườn cây Đà Nẵng. Chỉ tính riêng cây xanh bóng mát ở Đà Nẵng đã có trên 70 loài thuộc 27 họ thực vật khác nhau. Đó là chưa kể đến các loại cây cảnh, thảm cỏ, thảm hoa… ở các công viên hay trên dải phân cách của các tuyến đường lớn.

Đà Nẵng hiện tại có thể tự hào về những con đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, 30 tháng 4, Phạm Văn Đồng, Thái Phiên, Hàm Nghi, Lê Đình Lý… không chỉ bởi sự thông thoáng, hiện đại mà còn bởi vẻ đẹp quyến rũ của những hàng cây vỉa hè; những cây cảnh, thảm cỏ, thảm hoa… làm các dải phân cách đường thêm phần duyên dáng; các bồn hoa được thiết kế khác nhau về kích thước, kiểu dáng, màu sắc đan xen hài hòa với cây xanh góp phần làm rực rỡ, sinh động cảnh quan…

Đẹp bền vững

Nói về tính thẩm mỹ của cây xanh trên thành phố, ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng cười bảo: “Trồng cây xanh phải gắn với mỹ quan chung của thành phố là điều đương nhiên, nhưng bây giờ, cái đẹp đang tạm thời ưu tiên cho những lựa chọn về sự thích nghi, bóng mát, ứng phó với môi trường… Đẹp thôi chưa đủ mà phải đẹp bền vững. Đẹp và sự phù hợp là những yếu tố không thể tách rời”. Ông Đức ví dụ: “Mục tiêu về việc trồng chỉ 1-2 loại cây trên một tuyến đường (đã được hiện thực hóa ở một số con đường), vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, cũng là để tiện cho việc chăm bón; hay với những hàng dừa, phi lao còi cọc, héo hon dọc đường biển Nguyễn Tất Thành thì trước tiên người ta phải nghĩ đến việc làm sao để chúng sống cái đã; còn chuyện tìm một loài cây đặc trưng tạo nên vẻ đẹp riêng cho Đà Nẵng thì hãy còn quá sớm”…
 
Hướng đến một thành phố đẹp bởi yếu tố “xanh” ở Đà Nẵng, bên cạnh sự chi phối của những quy luật khách quan nói trên, tác nhân con người cũng là điều khiến những người tâm huyết phải đau đầu. Cứ nhìn những hàng cây bị cụt ngọn vì không may vướng vào hệ thống dây điện thì không ít người phải tặc lưỡi tiếc nuối; đâu đó hình ảnh một số cây bị “băng bó” bởi những tấm vải, bạt khác nhau của các hộ dân kinh doanh ven đường làm người ta không khỏi chạnh lòng…
 
Cái kế hoạch trồng 1-2 loại cây trên một con đường để vừa đẹp, vừa tiện chăm sóc cũng khó được thực hiện bởi không ít người dân vẫn tự cho mình cái quyền trồng trước nhà “cây gì mình thích”, không ai phạt được, vì chưa có quy định cụ thể… Về phía các đơn vị chức năng, vì chưa có sự đồng bộ giữa các khâu, các ngành liên quan nên còn để xảy ra những bất hợp lý như vỉa hè rộng, không vướng dây điện trên không nhưng lại trồng cây tán hẹp, tăng trưởng chậm, còi cọc… vỉa hè có đường dây điện trên không lại bố trí trồng cây đại mộc, tán rộng. Ngoài ra, bo viền hố trồng cây trên các tuyến đường cũng không đồng nhất về kích thước, mẫu mã vuông tròn…, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan chung.

Tóm lại, để cây xanh làm đẹp thành phố cho đúng nghĩa, thì còn nhiều việc phải bàn và làm lắm!

Bài và ảnh: Tân Tân
;
.
.
.
.
.