.

Chăm sóc sức khỏe cho nam ngư dân

.
Từ hai năm nay, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, có một Câu lạc bộ được người dân rất quan tâm, đó là “CLB Chăm sóc sức khỏe cho nam ngư dân”.

Mô tả ảnh.
Các thành viên CLB Chăm sóc sức khỏe cho nam ngư dân lắng nghe cán bộ hướng dẫn.
 
Bà Nguyễn Thị Thúy Diễm, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Thanh Khê giải thích: “Lâu nay, cái gì liên quan đến chuyện DS-KHHGĐ, người ta chỉ nghĩ đến những đề án, cách làm mà người chịu trách nhiệm thực hiện chính là phụ nữ, như “Tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ”, “Dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em”, “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai”, “Tránh thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn”…
 
Đương nhiên, đó là những việc đúng và cần đi trước, nhưng chúng tôi nghĩ, nói về KHHGĐ, ai cũng biết, trách nhiệm của người đàn ông là không nhỏ. Nhất là ngư dân, quanh năm làm bạn với biển, với sóng gió, ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, kiến thức cũng như nhận thức còn hạn chế... Do đó, chúng tôi thành lập CLB với mục đích chính là cung cấp, trao đổi những thông tin về DS-KHHGĐ, về sức khỏe sinh sản  (SKSS) nam giới, nâng cao ý thức về vai trò của nam giới, cụ thể là nam ngư dân (lâu nay vẫn có thói quen đổ hết việc nhà, con cái cho người phụ nữ) trong việc thực hiện KHHGĐ, trong trách nhiệm cùng vợ dạy dỗ con cái, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Anh Nguyễn Văn Xuyến (49 tuổi, trú ở tổ 33B, phường Thanh Khê Đông), một thành viên tích cực của CLB (được cử làm trưởng nhóm) cho biết: “Anh em chúng tôi rất vui với những lần sinh hoạt của CLB, đến đây, chúng tôi vừa được nghe những kiến thức bổ ích, thiết thực về SKSS, về cách thức KHHGĐ mà trước đây, nhiều người chưa biết đến, lại được ca hát, trổ tài văn nghệ thoải mái sau những chuyến đi biển nhọc nhằn. Cô không biết đấy thôi, ở CLB chúng tôi có cả thành viên ở tuổi 80, họ tham gia để “về truyền đạt lại cho con cháu”. Anh Xuyến cũng là một gia đình có con một bề (4 trai), nhưng khi được hỏi về ý định sinh thêm, anh lắc đầu cho biết: “Không đâu cô, con nào mà chả là con, mấy năm trước còn phân vân, giờ được nghe mấy anh chị động viên, tôi và vợ “thông” rồi, chắc chắn sẽ không sinh nữa”.

Điều mà anh Xuyến và các thành viên trong CLB mong muốn là làm sao lịch sinh hoạt của CLB sẽ “đều đặn và dày hơn một chút, chứ mỗi năm có một lần thì ít quá”. Nói về điều này, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Thanh Khê cười bảo: “Chúng tôi cũng muốn lắm, nhưng khổ nỗi, đây là mô hình tự phát, nằm ngoài “Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” của Nhà nước, do đó không được cấp kinh phí. Mấy lần sinh hoạt vừa rồi là do chúng tôi tự linh động về chi phí”. “Nhưng không chỉ người dân mà các cấp lãnh đạo  đều rất hoan nghênh hoạt động của CLB. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy”, bà Diễm khẳng định.
 
CLB Chăm sóc sức khỏe cho nam ngư dân ở phường Thanh Khê Đông được thành lập từ năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm DS-KHHGĐ quận Thanh Khê. Trong lần sinh hoạt đầu tiên, CLB thu hút được 40 thành viên, đến nay đã có 60 thành viên tham gia. Cùng với các mô hình và hình thức tuyên truyền khác, sinh hoạt của CLB đã tạo nên những chuyển biến tích cực về việc thực hiện KHHGĐ tại địa phương. Cụ thể, tính đến hết năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 tại địa phương là 13,45% (30 người sinh con thứ 3) thì cùng kỳ năm 2010 tỷ lệ này chỉ còn 6,7% (10 người sinh con thứ 3), 8 tháng đầu năm 2011, toàn phường  có 10 người sinh con thứ 3.
 
Bài và ảnh: THANH TÂN
;
.
.
.
.
.