“Bí mật, bất ngờ...”, đó là yếu tố làm nên thắng lợi của Công an quận Ngũ Hành Sơn trong công tác đấu tranh, phòng chống “sa tặc” trên sông Cổ Cò thời gian qua.
Lực lượng chức năng kiểm tra các sà lan vi phạm. |
Từ những bức xúc...
Đại úy Nguyễn Quang Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường (CSĐTVTTQLKT&CV, MT), Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Thời gian gần đây, do tình hình giá vật liệu xây dựng tăng cao, kèm thêm từ ngày 1-6, khu vực sông Tứ Câu (Quảng Nam) bị chính quyền sở tại cấm khai thác cát nên những người dân ở các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam ồ ạt kéo về sông Cổ Cò lén lút khai thác cát xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện sà lan ở các tỉnh Nam Định, Hải Phòng... kéo vào Đà Nẵng hút cát thuê cho các công trình khiến tình hình trở nên phức tạp. Một sà lan khai thác mỗi lần ít nhất vài chục tấn cát khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, người dân hết sức bức xúc...”.
Đầu tháng 9-2011, chúng tôi có dịp khảo sát một số khúc sông Cổ Cò và ghi nhận được sự bức xúc đó của người dân. “Những người khai thác cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lòng sông ngày càng sâu, đất cát hai bên bờ sạt lở hết…”, ông Ánh sống ven sông Cổ Cò (thuộc địa phận phường Hòa Quý) bức xúc nói. Còn theo xác nhận của UBND phường Hòa Quý: Tình trạng hút cát trái phép xảy ra ồ ạt, trên quy mô lớn ven đoạn sông Cổ Cò đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của khoảng 800 hộ dân sống ven sông, từ tổ 20 đến tổ 28; đất nông nghiệp cũng bị dòng sông “nuốt” dần; một số công trình thủy lợi ở địa phương bị hư hỏng nặng...
Đến những đêm trắng truy quét “sa tặc”
Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của UBND quận, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã triển khai Kế hoạch số 249/KH-CAQ ngày 14-4-2011, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trên sông Cổ Cò. Đội CSĐTVTTQLKT&CV, MT là lực lượng chủ công, phối hợp với một số đơn vị khác vào cuộc đấu tranh quyết liệt. Đại úy Nguyễn Quang Đức cho biết: “Đấu tranh với nạn khai thác cát trái phép không đơn giản. Bởi lẽ, chỉ hoạt động vào ban đêm (từ khoảng 20 giờ đến 2 giờ sáng) sau đó cho sà lan, ghe cát trở về điểm “tập kết” và “án binh bất động”. Hơn nữa, họ luôn có người theo dõi nên khi biết lực lượng chức năng ra quân là báo cho nhau tẩu thoát. Không chỉ vậy, khi bị vây bắt, các đối tượng chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát, hoặc cố ý lấy cho bằng được phương tiện. Nhiều lúc các đối tượng dùng sào để đánh, gạt anh em rơi xuống sông. Khi bị bắt, bằng nhiều mối “quan hệ” hoặc vì nghèo khó, họ lại xin xỏ đủ bề. Vì vậy, để bảo đảm thắng lợi trong mỗi đêm ra quân thì yếu tố bí mật, bất ngờ, kiên trì bám trụ và dùng tất cả các biện pháp nghiệp vụ mới bắt được. Còn theo Thiếu tá Hoàng Lê Phương, cán bộ đội thì “Mỗi lần đi, anh em đều phải thức trắng đêm. Cái khó nhất là chuyện “lính bộ đánh thủy”, trong đêm tối mịt mùng, giữa sông nước mênh mông rất nguy hiểm. Song, chúng tôi luôn động viên nhau phải vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Từ ngày ra quân đến nay, lực lượng Công an đã bắt, xử lý 26 vụ khai thác cát trái phép trên sông Cổ Cò. Điển hình: Lúc 2 giờ ngày 24-8, đã bắt giữ 5 ghe máy khai thác cát tại khu vực An Lưu, phường Hòa Quý. Chủ các ghe cát này đều thường trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mới đây nhất, lúc 20 giờ ngày 4-9, lực lượng Công an đã bắt quả tang 5 sà lan khai thác cát trộm trên sông Cổ Cò. Người điều khiển các sà lan và các công nhân này chủ yếu có hộ khẩu ở tỉnh Nam Định. “Qua kiểm tra, đa số các phương tiện đều không có giấy đăng kiểm hoặc giấy đăng kiểm hết hạn; người điều khiển không có giấy phép, nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân...”, Đại úy Đức nói.
“Thời gian đến, Công an quận sẽ tham mưu cho UBND quận thành lập tổ liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra xử lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân, trong đó đặc biệt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, để họ kịp thời phát hiện, đẩy đuổi và báo cho lực lượng chức năng khi có tàu, sà lan vi phạm”, Thượng tá Ngô Đình Thu, Phó trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ