.
Công tác cán bộ trẻ ở nông thôn

Bài cuối: Có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ xã

.
Xã, phường là cấp chính quyền gần dân nhất, là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện hầu hết các công tác ở cơ sở, do đó, trình độ, năng lực của cán bộ xã là một trong những yếu tố quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và bảo đảm sự ổn định chính trị ở nông thôn.
 
Mô tả ảnh.
Mặc dù không có bằng đại học chính quy nhưng qua thực tiễn, nhiều cán bộ xã đã khẳng định được năng lực của mình. Trong ảnh: Cán bộ trẻ xã Hòa Châu giúp dân làm thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai tại UBND xã.
 
Việc Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định Quy định tiêu chuẩn, số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức, cán bộ không chuyên trách phường, xã và dưới phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức phường, xã ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ không ít những vướng mắc, đó là: Số cán bộ của xã theo học các lớp Đại học tại chức, từ xa đã ra trường thì không được bố trí vào các chức danh công chức, mặc dù họ đã công tác lâu năm và cống hiến rất nhiều cho địa phương. Số đang học gần ra trường thì bỏ học, vì cho rằng học ra cũng chẳng để làm gì; sự “khó chịu” giữa những cán bộ cũ có bằng cấp (không hợp chuẩn) với người có bằng chính quy được bố trí mới dẫn đến công việc trì trệ, không có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đó là chưa kể trường hợp nhiều cán bộ trẻ mới được bố trí thiếu thực tiễn, hoặc thuộc diện “con ông cháu cha”…

Chị Hồ Thị Thủy (32 tuổi), cán bộ chuyên trách công tác dân vận xã Hòa Phong, cho biết, khi mới vào làm ở UBND xã chị có trình độ trung cấp,  sau đó phấn đấu nâng cao trình độ và học lên đại học tại chức, đủ tiêu chuẩn để bố trí vào các chức danh công chức. Nhưng sau khi có quy định mới của thành phố thì chị lại không đủ chuẩn. Mặc dù đã công tác gần 8 năm tại UBND xã nhưng chị chỉ hưởng lương theo hệ số 1,75. Chị Thủy cho biết thêm, cũng đều là cán bộ văn phòng cùng làm việc giống nhau, nhưng lại có mức thu nhập khác nhau. Cụ thể, một cán bộ học đại học tại chức với thâm niên công tác gần 10 năm nhưng chỉ hưởng lương 1,75. Trong khi đó, một cán bộ trẻ mới về theo Đề án 89 hưởng lương theo hệ số 2,34 và được thành phố hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng trong 60 tháng. Về mặt chuyên môn, cán bộ không chuyên trách vẫn đáp ứng được công việc và thậm chí làm nhiều việc hơn nhưng thực tế thì lại có mức thu nhập quá thấp. Chính điều này làm cho các cán bộ trẻ không có bằng đại học chính quy chùn bước phấn đấu.

Anh Võ Văn Ngà, cán bộ trẻ Văn phòng Đảng ủy xã Hòa Phong, cũng cho biết, quy định mới ra đời đã tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo theo Đề án 89 nhưng lại làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý làm việc của cán bộ không chuyên trách mặc dù họ vẫn đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm đương được công việc. Nhiều cán bộ không chuyên trách trước đây phấn đấu học tại chức để có bằng đại học và học trung cấp chính trị, quản lý Nhà nước nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nhưng theo quy định mới của thành phố hiện nay thì họ không đạt chuẩn, làm họ chùn bước phấn đấu. Việc nâng cao trình độ và chất lượng cán bộ xã là quá trình tất yếu của sự phát triển nhưng phải từng bước để có các thế hệ thay thế hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Ông Dương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong cũng cho rằng, cán bộ trẻ theo chuẩn quy định của thành phố là điều đáng quý. Tuy nhiên, nhiều người không học chính quy nhưng qua thực tiễn cho thấy năng lực rất tốt. Vì vậy, công tác cán bộ cần nghĩ tới hai mặt: Cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học chính quy thì làm chuyên môn tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, yếu năng lực lãnh đạo. Nếu chúng ta cứ rập khuôn máy móc thì sẽ bỏ qua những cán bộ không có bằng đại học chính quy nhưng qua năng lực thực tiễn vẫn có thể đề bạt cao hơn. Chuẩn hóa đội ngũ công chức phường, xã để đáp ứng yêu cầu phát triển là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên không vì thế mà nóng vội.  

Theo ông Lê Trung Thắng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang, sau khi có quy định mới về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, thực tế cho thấy có một số cán bộ không được đào tạo chính quy nhưng đủ năng lực để bổ nhiệm thì nay họ có xu hướng chùn bước. Do đó, bên cạnh chính sách thu hút nhân tài cần có chính sách đối với cán bộ đi lên từ thực tiễn. Hiện cán bộ xã có 3 chức danh: Cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách. Do lương thấp nên cán bộ trẻ không chuyên trách có xu hướng nghỉ việc vì không có cơ sở để phấn đấu lâu dài. Hiện nay không ít cán bộ không chuyên trách ở một số xã đã xin nghỉ việc.

Rõ ràng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã là đòi hỏi cấp thiết để đưa nông nghiệp, nông thôn vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra được một diện mạo nông thôn thực sự mới. Việc quy định tiêu chuẩn, số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức, cán bộ không chuyên trách phường, xã và dưới phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng đã chủ động tạo nguồn cán bộ đủ chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn và lòng nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế phù hợp và tạo ra những điều kiện thuận lợi để những cán bộ không có bằng đại học chính quy có cơ hội phấn đấu và tiến thân.

Bài và ảnh: GIA HUY
;
.
.
.
.
.