Ngày 9-9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII dẫn đầu đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND thành phố để nghe báo cáo việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND và UBND thành phố. Các đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng; Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã tham dự buổi làm việc.
Báo cáo của Thường trực HĐND thành phố cho biết, từ năm 2005 đến 2010, HĐND các cấp đã ban hành 871 VBQPPL, UBND các cấp ban hành 937 VBQPPL. Qua đánh giá chất lượng, đa số các VBQPPL đã ban hành đúng pháp luật, có tính khả thi cao, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, các cấp chính quyền khi xây dựng, ban hành văn bản chưa có sự đánh giá, khảo sát thực tế, thiếu định hướng về chính sách, còn nhiều VBQPPL không đúng quy định về thể thức, ban hành vi phạm về căn cứ, hiệu lực, thẩm quyền và nội dung văn bản. Trên cơ sở hoạt động giám sát hằng năm, Thường trực HĐND thành phố khẳng định, hầu hết các văn bản của UBND thành phố ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đúng trình tự, thủ tục ban hành, kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã tìm hiểu thêm một số nội dung như căn cứ pháp lý, thực tiễn để UBND thành phố xây dựng chương trình ban hành VBQPPL hằng năm; công tác thẩm tra các văn bản đã ban hành; kinh phí phân bổ cho hoạt động xây dựng VBQPPL. Đoàn giám sát cũng yêu cầu HĐND, UBND thành phố chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND để có những kiến nghị điều chỉnh phù hợp với thực tế ở các địa phương.
Thường trực HĐND, UBND thành phố cũng đã đề nghị Trung ương khi ban hành văn bản cần tránh sự chồng chéo, thiếu rõ ràng. Đối với các bộ, ngành cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để các địa phương có cơ sở pháp lý ban hành VBQPPL theo các nội dung được giao tại Luật, Nghị định. Đồng thời, đề nghị xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ tư pháp làm công tác văn bản có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức; điều chỉnh quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác ban hành văn bản tại địa phương…
M.H