Sau khi giành được chính quyền trong toàn tỉnh, ngày 2-9-1945 tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít-tinh trọng thể mừng lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam.
Đại diện chính quyền Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thuộc địa, phong kiến và các chính sách phản động hiện hành của chế độ thực dân trong toàn tỉnh; ban bố chương trình hành động của chính quyền cách mạng và 10 chính sách lớn của Ủy ban Giải phóng Việt Minh. Hàng vạn quần chúng và đại biểu các phủ, huyện trong tỉnh về dự lễ reo hò hưởng ứng, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Sau khi Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các tổng, xã được thành lập, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cách mạng như Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thiên chúa giáo cứu quốc, Văn hóa cứu quốc... được củng cố. Nhân dân thành phố Đà Nẵng(1) và huyện Hòa Vang đã hăng hái tham gia các phong trào cách mạng như phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện “đời sống mới”, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh công tác xóa nạn mù chữ, bài trừ mê tín dị đoan, hăng hái tham gia các phong trào thi đua ái quốc; vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tạo điều kiện cho nhân dân nhận thức sự khác biệt giữa Mặt trận Việt Minh và bọn “Việt Nam Quốc dân đảng” và “Việt Nam Cách mạng đảng”.
Phát động quần chúng nhân dân hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng, nhất là phong trào diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”; tuyên truyền, vận động bầu cử Quốc hội, Hồi đồng Nhân dân các cấp; hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng; xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, phục vụ đắc lực các phong trào trên nhằm ủng hộ chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị cho kháng chiến.
Phong trào diễn ra sôi nổi, đem lại hiệu quả thiết thực. Từ các khu phố nội thành, vùng ven ở Đà Nẵng đến các làng, xã thuộc huyện Hòa Vang, nhiều điểm quyên góp được mở ra. Bà con lập bàn hương án trước sân trụ sở Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã hoặc các đình làng để tiến hành quyên góp. Ai có vàng, bạc thì góp vàng, góp bạc. Ai không có thì góp đồ đồng như nồi đồng, mâm đồng và cả lư đồng... Nhờ vậy, trong “Tuần lễ vàng” từ ngày 16 đến 24-9-1945, nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng nhân dân huyện Hòa Vang và nhân dân các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam quyên góp được 20kg vàng và hàng chục tấn đồng.
Để góp phần chống giặc đói, chính quyền cách mạng tập trung tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân từ nội thành, ngoại thành Đà Nẵng đến các làng, xã ở Hòa Vang nỗ lực hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, tích cực trồng rau, màu, các loại cây lương thực để chống đói. Tại Hòa Vang, trên cơ sở ruộng đất công được chia lại, nhân dân phấn khởi, hăng hái sản xuất. Bên cạnh đó, ta cũng phát động nhân dân thực hiện chủ trương nhà nhà thực hành tiết kiệm, thực hiện ngày đồng tâm, mỗi nhà có một hũ gạo cứu đói… Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương, đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân không những ổn định một bước mà còn có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh bạn vượt qua nạn đói.
Cũng như nhiều địa phương khác, sau Cách mạng Tháng Tám, ở Đà Nẵng và Hòa Vang, có hơn 90% bà con mù chữ. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Đà Nẵng và tổ chức Đảng ở huyện Hòa Vang, các cấp ủy Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cách mạng tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng toàn dân tham gia phong trào “bình dân học vụ”. Các lớp bình dân học vụ được mở khắp nơi. Thanh niên, học sinh tự nguyện tham gia giảng dạy rất đông. Không chỉ người trẻ, ngay cả những người già trên sáu, bảy mươi tuổi cũng hăng hái đi học(2). Đặc biệt, thành phố có nhiều cố gắng mở Trường Trung học Thái Phiên là trường trung học đầu tiên ở Đà Nẵng dạy bằng tiếng Việt(3). Có thể nói, phong trào nhanh chóng lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia và trở thành phong trào rộng lớn.
Đến cuối năm 1945, thành phố Đà Nẵng đã có 100 đảng viên(4). Tại Hòa Vang, tính đến giữa tháng 11-1945, toàn huyện đã có 3 chi bộ Đảng với gần 20 đảng viên. Trước sự phát triển của đội ngũ đảng viên và căn cứ vào yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ công tác, ngày 20-11-1945, Đảng bộ Hòa Vang chính thức được thành lập(5). Từ đây, phong trào cách mạng tại thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang bước sang một giai đoạn mới.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp ở Quảng Nam - Đà Nẵng gia tăng sức ép, thể hiện rõ ý đồ xâm lược nước ta qua những hành động cụ thể như liên tiếp tăng quân, vận chuyển vũ khí, tung gián điệp ra các vùng Hoà Vang và nhiều huyện ở Quảng Nam – Đà Nẵng để dò la tin tức của ta, ra sức gây hấn để tìm cớ khai chiến. Ngay tại Đà Nẵng, thực dân Pháp và bọn tay sai không ngừng khiêu khích ta để tìm cớ phát động chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên, ta mềm dẻo, khôn khéo và rất cương quyết trong những vụ đụng chạm với quân Pháp.
Cũng trong thời gian này, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xuất phát từ đặc điểm tình hình cụ thể, theo chủ trương của Xứ ủy Trung bộ, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hợp nhất thành liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 15-12-1946, Thành ủy Đà Nẵng triệu tập cuộc họp mở rộng cán bộ Quân, Dân, Chính, Đảng phổ biến tình hình, chủ động đối phó với giặc. Đồng thời, Thành ủy giao nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch sơ tán khi kháng chiến bùng nổ, kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân làm chướng ngại vật cản bước quân thù... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhìn chung, công tác chuẩn bị kháng chiến diễn ra suôn sẻ. Kế hoạch tác chiến, tản cư, tiếp cư... đều được lên phương án sẵn sàng thực hiện.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm kể từ ngày giành chính quyền, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt nhiều kết quả trong bước đầu xây dựng, củng cố chính quyền, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Xuân Phúc
(1) Bấy giờ được gọi là thành Thái Phiên.
(2) Đến giữa năm 1946, Ủy ban Nhân dân thành phố lập Ty Bình dân học vụ do anh Nguyễn Đình phụ trách.
(3) Trước kia, ở bậc trung học, học sinh phải học bằng tiếng Pháp.
(4) Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Tập I (1925 - 1954). Nxb. Đà Nẵng, 1996. Tr. 109.
(5) Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1928 - 1954. Nxb. Đà Nẵng, 1985. Tr. 75.