.

Đảng trong doanh nghiệp - Bài 2: Linh hoạt nhưng đủ thông tin

.

Khác với cơ quan hành chính, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong doanh nghiệp ở các khu công nghiệp khó có thể bố trí một ngày hoặc nhiều hơn để học nghị quyết của Đảng. Vì vậy, nhiều hình thức sinh hoạt, học tập nghị quyết đã được vận dụng linh hoạt.

 

Mô tả ảnh.
Đảng viên là công nhân đang làm việc tại Công ty CP Thép Dana - Ý. Ảnh: T.PHƯƠNG

 

Yêu cầu đặt ra đối với một TCCSĐ trong doanh nghiệp là sinh hoạt chi bộ vừa phải bảo đảm thông tin, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sinh hoạt chi bộ qua email

Ông Hồ Nghĩa Tín, Bí thư chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Ý cho rằng, sinh hoạt chi bộ không nhất thiết phải ngồi lại rồi giảng giải hay kiểm điểm. Cần xác định trọng tâm của buổi sinh hoạt chi bộ và thay vì họp 3 tiếng đồng hồ vẫn có thể rút ngắn còn 30 phút, thậm chí 15 phút. Theo ông Tín, trong guồng máy vận hành liên tục của một doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu hàng đầu vẫn là chất lượng công việc, hiệu quả và doanh thu. Vì vậy, việc sinh hoạt chi bộ cần linh hoạt, thường tận dụng thời gian trong ngày làm việc và không tạo cho người đảng viên cảm giác nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Khánh, công nhân xưởng Cơ khí có 18 năm tuổi Đảng, chia sẻ cảm giác hài lòng khi việc sinh hoạt chi bộ thường chỉ tập trung vào những vấn đề nổi bật, không dàn trải, các tài liệu cần phổ biến được chuyển đến tận tay đảng viên hoặc gửi qua email. Trong khi đó, chi bộ của Công ty Cơ điện lạnh Đà Nẵng chỉ có 4 đảng viên. Do yêu cầu công tác, có khi chỉ còn 2 đảng viên ở trụ sở công ty, 2 đảng viên còn lại đứng điểm công trình ở Lạng Sơn. Để bảo đảm duy trì sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã chia thành 2 tổ Đảng. Các thành viên trong tổ Đảng thảo luận, trao đổi trước ở tổ xong, hai tổ trưởng tiếp tục trao đổi qua email. Tài liệu để đảng viên nghiên cứu, học tập cũng được chuyển qua email, tiện lợi mà vẫn bảo đảm đầy đủ thông tin.

Ông Tín cho rằng, điều quan trọng là sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm thông tin đầy đủ đến từng đảng viên. Qua sinh hoạt chi bộ tạo được sự thống nhất chung về tư tưởng, quan điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên. Còn hình thức sinh hoạt thì cần linh hoạt phù hợp với đặc thù hoạt động của mỗi doanh nghiệp.

Đổi mới cách thức tổ chức học tập

Nhiều TCCSĐ trong doanh nghiệp phản ánh: Do đặc thù của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không thể tổ chức học tập chính trị, nghiên cứu quán triệt nghị quyết của Đảng bằng hình thức truyền thống là triệu tập đảng viên về một địa điểm để tổ chức. Nhiều doanh nghiệp đóng trụ sở tại Đà Nẵng nhưng đảng viên của họ đang công tác ở ngoài thành phố. Trường hợp người lao động làm việc tập trung trong thành phố lại gặp khó khăn về việc bố trí thời gian, càng khó hơn khi đang cao điểm sản xuất, thi công. Đối với những doanh nghiệp cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc doanh nghiệp cổ phần có đảng viên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên thì việc sinh hoạt, học tập của TCCSĐ thuận lợi hơn.

Trường hợp các buổi học tập, nghiên cứu nghị quyết do cơ quan Đảng cấp trên triệu tập, tổ chức thì càng khó cho đảng viên. Một đảng viên của Chi bộ Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết anh vừa được triệu tập đi học khóa bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới trong 10 ngày. Do phụ trách một công trình ở Quảng Ngãi nên anh không thể bố trí được thời gian để tham gia khóa bồi dưỡng này. Thời hạn một năm đảng viên dự bị sắp kết thúc nhưng hồ sơ xét công nhận đảng viên chính thức của anh vẫn còn thiếu Giấy chứng nhận học bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới.

Một số TCCSĐ trong doanh nghiệp đề nghị cần linh hoạt hơn trong việc tổ chức học tập chính trị, nghiên cứu nghị quyết cho đảng viên. Nên bố trí vào ngày nghỉ cuối tuần, nội dung cần rút gọn lại thành những vấn đề thiết thực, gần gũi đối với doanh nghiệp. Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho rằng, thời gian học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đối tượng kết nạp Đảng trong 4 ngày là quá dài. Nên rút ngắn thời gian, cô đọng nội dung và tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần. Có thể linh hoạt hơn trong việc yêu cầu viết thu hoạch như cho phép viết ở nhà. Cần nghiên cứu tổ chức hình thức trắc nghiệm chọn câu đúng. Như vậy, buộc đảng viên, học viên phải đọc, nghiên cứu tài liệu mới chọn đúng và nhớ lâu hơn. Dù viết thu hoạch dưới hình thức nào cũng chỉ nhằm đánh giá về nhận thức của đảng viên chứ không phải thi tuyển.

(Còn nữa)

ĐOÀN SƠN - TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.