Không hẹn mà gặp, nhiều em nhỏ cùng nói một câu tương tự: “Với em, đây là Trung thu vui nhất!”. Dù thời tiết những ngày qua không thật thuận lợi, nhưng bên đồ chơi, mâm cỗ, chị Hằng và tiếng trống lân rộn rã, trẻ em khắp nơi được sống trong một cái Tết thực sự ấm áp.
Ấm tình thân cho những đứa trẻ không gia đình
Mấy ngày này, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), các bạn nhỏ cùng cắt hoa giấy để… dán vào đầu giường. Những bông hoa ngộ nghĩnh, xinh xinh khiến mỗi căn phòng mang một màu sắc tươi vui. Các bạn còn thi thố tài nghệ vẽ tranh chú Cuội, chị Hằng và Thỏ ngọc để trưng bày “tác phẩm” vào đêm Trung thu. Một nhóm khác bận rộn tập dượt tiết mục văn nghệ góp vui. Đội lân của trung tâm còn ký được hợp đồng biểu diễn cho các khách sạn, nhà hàng lớn. Thêm một niềm vui đặc biệt nữa đến với các em, đó là được đón đoàn Trường Đại học Yamaguchi (Nhật Bản) cùng chung vui đêm rằm. Các sinh viên xứ sở Mặt trời mọc đã làm hàng trăm chiếc bánh susê góp chung mâm cỗ đầy bánh truyền thống Việt Nam. Em Lê Thị Thê bộc bạch: “Đây là Trung thu vui nhất đối với em. Các bạn Nhật rất dễ thương và hòa đồng. Em học được cách làm bánh susê nữa”. Mẹ Nguyễn Thị Nhung ở nhà số 2 cho biết: “Trung thu năm nay thấy các em rất hào hứng. Để các em quên đi nỗi buồn, sự mặc cảm vì không có ba mẹ dẫn đi chơi, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nhằm mang lại một không khí gia đình ấm áp thực sự”.
Với các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố, Làng Hy vọng…, năm nay, Trung thu thật hoành tráng. Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy vọng nói: “Những năm trước, làng gom tất cả các hoạt động vào một đêm duy nhất. Riêng năm nay, các em sẽ được chơi “liên miên” 3 đêm liền, từ 13 đến 15 Âm lịch”.
Trong khi đó, lần đầu tiên trẻ em là nạn nhân chất độc da cam huyện Hòa Vang có được một đêm phá cỗ đúng nghĩa. Gần 100 em đã tụ tập rước đèn, múa lân suốt đêm tại cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn) để sáng hôm sau lại cùng nhau vào thành phố… nhận quà, xem phim, mua sắm…
Để niềm vui của các em thêm trọn vẹn, ngoài những nỗ lực của mỗi trung tâm, cần kể đến sự đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Hàng ngàn phần quà và những lời ca, tiếng hát, điệu múa đã được các cô chú, ông bà, anh chị gửi đến những đứa trẻ không gia đình. “Các bạn ở nhà có ba mẹ dẫn đi coi múa lân, mua lồng đèn. Nhưng em không buồn đâu, vì ở đây em cũng có nhiều cha mẹ, ông bà đến chơi”, Nguyễn Ngọc Trung, học sinh lớp 3, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng tâm sự. Cô Hiền, Đội văn nghệ xung kích, Câu lạc bộ Thái Phiên chia sẻ: “Chúng tôi diễn nhiều nơi, nhưng khi hát cho những cháu bé bất hạnh, lòng mình lại thêm một cảm xúc khác đó là thương yêu vô cùng”.
Khắp nơi vào hội Rằm
Tại từng ngõ phố, trẻ em xôn xao câu chuyện đi nhận quà bánh và xem múa lân. Không phân biệt giàu, nghèo, không ranh giới hèn, sang, mọi đứa trẻ đều được các cô chú thuộc các hội, đoàn thể địa phương chuẩn bị một suất quà như nhau. Quà không lớn, chỉ cây kẹo, cái bánh mà ánh mắt đứa trẻ nào cũng hớn hở, hạnh phúc. Cô Thanh Liêm, Hội Cựu chiến binh phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, trên địa bàn quận tập trung hàng trăm trẻ em là con của công nhân xa nhà. Tuy vậy, vào đêm rằm, không còn chuyện người bản xứ hay tha hương nữa, tất cả các cháu đều được mời đi dự hội lân và ăn bánh Trung thu. Tùy vào hoàn cảnh, có hộ góp 50 đến 100 nghìn đồng, có chị em khó khăn chỉ góp 10 nghìn đồng. Song, tất cả cùng san sẻ đồng đều cho các cháu thiếu nhi.
Tổ chức vui Trung thu trở thành hoạt động thường niên tại khắp các tổ dân phố. Trên địa bàn Hải Châu, một quận thuộc trung tâm thành phố, các chương trình vui đón trăng rằm càng diễn ra rầm rộ. Chị Lê Thị Ngọc, phường Thanh Bình nói: “Năm nào tôi cũng cho hai cháu đi chơi, mua quà bánh đủ cả. Tuy nhiên, đến ngày xóm tổ chức, tôi cũng đưa các cháu đến chung vui và làm quen với các bạn”. Em Nguyễn Khánh Quang (tổ 13, phường Hòa Cường Nam) bày tỏ: “Bố con đi xe ôm nên rất bận, mẹ làm công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Trung thu này mẹ bảo dẫn đi chơi, nhưng không mua bánh cho 3 chị em con mà để dành tiền mua sách vở. Hôm nay con được nhận quà, được xem múa lân nữa, con thích lắm”.
Dạo một vòng quanh đường phố Đà Nẵng, đâu đâu cũng thấy các quầy bánh Trung thu, lồng đèn nhộn nhịp người mua. Được biết, giá cả các mặt hàng đồ chơi năm nay khá cao so với các năm khiến không ít phụ huynh chần chừ sát rằm mới quyết định nên hay không mua các món quà “nặng đô” cho bé. Một phụ huynh là nhân viên Nhà nước nói: “Thằng nhóc đòi nguyên bộ lân gồm đầu, đồng phục, đuôi, trống. Mình tính tổng cộng mất hơn 1 triệu nên dỗ dành con thôi đợi… năm sau”. Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí mua sắm trong đêm 13, 14 Âm lịch diễn ra rất sôi nổi. Những chiếc lồng đèn có giá từ 15-70 nghìn đồng được phụ huynh mua rất nhiều.
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi cũng sôi nổi với những màn múa lân đặc sắc tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. Rạp phim chào đón các bé với: Công phu gấu trúc 2, Rio…
Một góc sân Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng rộn ràng hẳn lên. Gần 300 bạn sinh viên thuộc Câu lạc bộ Sức trẻ của trường đang tất bật với công việc cắt cắt, dán dán để cho ra đời những chiếc lồng đèn Ông sao bọc giấy bóng rất đẹp mắt. Trong khi các bạn nam nhanh tay rọc, chẻ cây tre thành những thanh nhỏ thì các bạn nữ bằng bàn tay khéo léo chuốt lại cho đẹp rồi uốn thành hình Ông sao. Vừa hoàn thành “tác phẩm”, cô bạn Trương Thị Thùy Trâm (sinh viên năm 2, Khoa luật Trường Đại học Kinh tế) vui vẻ nói: “Đây là lần đầu tiên em tham gia làm lồng đèn cùng các bạn. Lúc đầu chưa quen nhưng các anh chị đã bày cho em nên giờ em đã làm xong. Được tự tay mình làm để tặng trẻ em nghèo, em cảm thấy rất hạnh phúc. Đây thực sự là mùa Trung thu đáng nhớ đối với em”. Với ước mong giản dị là đưa các em về với những trò chơi dân gian, với chiếc đèn Ông sao quen thuộc dân dã, dù bận rộn nhưng các bạn dành thời gian làm gần 100 chiếc lồng đèn để tặng các em nhân dịp Trung thu.
Đây là lần thứ 6 kể từ 6 năm sau ngày thành lập, Câu lạc bộ Sức trẻ tổ chức đêm Trung thu cho các em. Đêm “Ánh trăng trẻ thơ” năm nay sẽ được tổ chức ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng vào tối nay (12-9). Nhiều tiết mục văn nghệ được các bạn dàn dựng rất công phu cùng các màn xiếc, ảo thuật “cây nhà lá vườn” sẽ được trình diễn trong đêm nay. 45 suất quà sẽ được trao cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm. Bạn Trịnh Thị Tố Trinh, thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: “Để có kinh phí tổ chức, mua quà cho các em, tụi em đã đi bán hơn một tuần nay được 1.000 bánh Trung thu, lãi được 4 triệu đồng. Nhiều người không chỉ mua bánh mà còn ủng hộ tiền”.
Câu lạc bộ Excel Đà Nẵng, Nhóm “Tay trong tay” Trường Đại học Sư phạm cũng đã lục tục chuẩn bị “Đêm hội trăng rằm” cho các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Đội Công tác xã hội Lê Quý Đôn thì đã chuẩn bị xong chương trình Trung thu “Nụ cười đêm trăng” cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống vào đêm 11-9 tại Rạp chiếu bóng Lê Độ. Trước đó, từ chiến dịch bán áo “Từ thiện & Kết nối”, các bạn đã thu về số tiền kha khá để tổ chức Trung thu.
Thu Hoa – Phương Trà