(ĐNĐT) - Đêm nay, 26-9, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, trong khi vẫn còn 46 tàu đánh cá với 500 ngư dân đang ở trên vùng biển nguy hiểm.
Dự báo hướng đi của bão số 4. (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) |
Sáng 26-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 4 (có tên quốc tế là Haitang).
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng nay, bão Haitang mạnh cấp 8 chỉ còn cách ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi hơn 300 km về phía đông. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây - Tây Bắc với tốc độ 10-15 km mỗi giờ.
"Với tốc độ này, rạng sáng 27-9, bão sẽ áp sát ven bờ Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ đêm 26-9, các tỉnh ven biển miền Trung đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão", ông Hải cho biết. Khi cập bờ, bão Haitang sẽ có cường độ cấp 8 đến cấp 9. Các tỉnh thuộc khu vực ảnh hưởng của gió xoáy mạnh cấp 6 trải từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 10 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 105,1 trên trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Từ đêm nay (26-7) vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay ở phía Đông quần đảo Philippines, một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là NESAT. Hồi 10h ngày 26-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 125,4 độ Kinh Đông, cường độ mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24h tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km một giờ. Như vậy, khoảng chiều tối và đêm mai (27-9) bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng của bão thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ.
Các đơn vị cần khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Bộ trưởng yêu cầu, cần tập trung cứu hộ tàu cá số hiệu ĐNa 00234 của Đà Nẵng bị hỏng máy, đang thả neo tại tọa độ 16,08 ’ độ Vĩ Bắc,108,19’ độ Kinh Đông. Hiện Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã điều tàu SAR 412 ra cứu nạn nhưng vẫn chưa có kết quả.
46 tàu với 500 ngư dân miền Trung đang ở trong vùng nguy hiểm
Sáng Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung – Tây Nguyên cho biết, vẫn còn 46 tàu đánh cá của miền Trung với 500 ngư dân đang ở trên vùng biển nguy hiểm này. Thành phố Đà Nẵng có một tàu ĐNa 90369 của ông Đào Ngọc Minh Tâm (trú tổ 26 phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) với 12 lao động đang hoạt động tại vị trí 14 độ Bắc - 112 độ Đông, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 117 hải lý về hướng Nam Đông Nam.
Tàu cá của ngư dân miền Trung vào bờ an toàn tránh bão số 4 |
Theo tin báo của một tàu bạn thì 12 tàu với 155 lao động của Quảng Nam đang trú gió tại các đảo Bạch Quy, Trung Sa và Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa). Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tiếp tục theo dõi, cố gắng liên lạc với 12 tàu cá trên để xác minh thông tin. Tỉnh Quảng Ngãi cũng có 23 tàu với 333 lao động đang ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có 5 chiếc trú gió khu vực đảo Trụ Cẩu, 11 chiếc trú gió tại đảo Đá Lồi và 7 chiếc núp gió tại đảo Đá Bông Bay.
Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cũng cho biết, có 3 tàu trong khu vực đang bị nạn. Trong đó, tàu kéo ĐNa 00234 bị hỏng máy lúc 9h30 sáng 25-9 ở vùng biển Mũi Nghê (bán đảo Sơn Trà,) khi đang trên đường từ Cù Lao Chàm về Đà Nẵng. Tàu này phải thả trôi tại toạ độ 16,7 độ Bắc - 108,19 độ Đông trong khi khu vực tàu bị nạn có gió cấp 6, biển động mạnh, sóng lớn.. Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Đà Nẵng đã đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố khẩn trương đưa phương tiện ra cứu tàu ĐNa 00234 vào bờ.
Lúc 16h20 ngày 25-9, tàu cá do ông Trần Văn Long làm thuyền trưởng, trên tàu có 3 lao động (trú thôn 6 xã Vĩnh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa thiên – Huế) trên đường vào bờ thì bị sự cố chết máy và trôi dạt ở vùng biển Lăng Cô, cách bờ khoảng 2 hải lý. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn nhưng do sóng quá lớn nên tàu Biên phòng, Cảng vụ Thừa Thiên – Huế, tàu của Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây không ra được. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Thừa Thiên – Huế đã đề nghị Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng MRCC) giúp đỡ.
Đến 18h ngày 25-9, tàu cá QNg 95337 – TS công suất 120CV có 14 lao động bị hỏng máy khi đang trên đường chạy vào bờ tránh bão số 4. Rất may tàu này đã gặp tàu QNg 55850-TS của ông Trương Văn Đức và được tàu này lai dắt. Dự kiến sáng ngày 26-9, hai tàu này sẽ về đến cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi).
Cũng theo tin từ Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, do mưa lớn kéo dài nên đường Hồ Chí Minh bị sạt taluy tại vị trí đèo Pêke (thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa thiên – Huế). QL 49A từ Huế lên A Lưới, đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ (huyện A Lưới) cũng bị sạt lở một số đoạn từ km62 đến km75. Các đơn vị giao thông đang huy động lực lượng và xe máy khắc phục sạt lở.
Việt Ân - ĐN - TTXVN