Phụ nữ Đà Nẵng chiếm 51% dân số toàn thành phố, trong đó 87% sinh sống ở khu vực nội thành, 13% sinh sống ở khu vực nông nghiệp - nông thôn (nếu tính cả số phụ nữ là cư dân ở các địa phương ven biển thì tỷ lệ phụ nữ ở khu vực nông nghiệp - nông thôn còn cao hơn). Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 đến 49 tuổi) khá cao: 60% so với tổng dân số là nữ; phụ nữ trong độ tuổi lao động (từ 18 đến 55 tuổi) cũng chiếm tỷ lệ lớn: 66% so với tổng dân số là nữ.
Chiếm 51% dân số thành phố, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ |
Ở góc độ cơ cấu kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao trong các ngành dịch vụ (52,1%), bởi đây là khu vực kinh tế năng động, chiếm vị trí hàng đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, phù hợp với đặc điểm của phụ nữ. Tính đến nay, Đà Nẵng có gần 4.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Lao động nữ trong công chức, viên chức, lao động chiếm 63,87% trong tổng số công chức, viên chức, lao động thành phố. Phụ nữ ngành giáo dục - đào tạo chiếm 71% lao động toàn ngành. Đội ngũ nữ công chức, viên chức ngành y tế chiếm 67% lao động toàn ngành.
Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đội ngũ nữ trí thức đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, thẩm định và phản biện khoa học, đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật và gặt hái được nhiều thành công: 5 năm qua, thành phố đã có gần 3.000 sáng kiến, 62 đề tài khoa học do các nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm đề tài.
Trong phong trào thể dục thể thao, nhiều nữ vận động viên đạt thành tích cao. Nhiều mô hình hoạt động được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng, tạo nên không khí sôi nổi và tinh thần rèn luyện ngày càng hăng hái trong quần chúng nhân dân.
Phụ nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý có xu hướng tăng lên ở một số lĩnh vực, nhất là cấp quận, huyện và cấp cơ sở. Thành phố hiện có 2.377 cán bộ nữ làm công tác quản lý từ cấp phòng, ban trở lên.
Lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đã năng động hơn trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề, phát triển kinh tế rừng, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế “vườn-ao-chuồng”, “vườn-ao-rừng”, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công, nhất là ngành nghề truyền thống của địa phương.
Với những đặc điểm đó, phụ nữ Đà Nẵng là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Bước vào nhiệm kỳ mới, Hội LHPN đảm nhiệm một trọng trách là làm sao tập hợp được các tầng lớp chị em; đồng thời phát huy tốt nhất khả năng của họ để góp phần xây dựng thành phố theo hướng CNH-HĐH.
* P.V: Thưa chị, một trong những vai trò hàng đầu của Hội LHPN là tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp phụ nữ. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác Hội chủ yếu tập trung chăm lo cho phụ nữ nghèo. Trong khi đó, các hoạt động tập hợp đối tượng phụ nữ lao động, trí thức-một lực lượng đông đảo và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố lại chưa được thực hiện tương xứng. Hội LHPN Đà Nẵng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào trong nhiệm kỳ tới?
- Chị ĐTKL: Trong 5 năm đến, các khu công nghiệp được mở rộng, khu công nghệ cao ra đời, lĩnh vực du lịch dịch vụ có nhiều chuyển biến… Cùng với người lao động, phụ nữ trí thức, có tay nghề sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Do đó, nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tổ chức nhiều chương trình, hoạt động cụ thể nhằm vận động, tập hợp hội viên là tầng lớp phụ nữ lao động, trí thức.
Thứ nhất, xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ trong các doanh nghiệp với mục đích nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của chị em lao động. Qua đó, Hội sẽ chăm lo về đời sống, sức khỏe, việc làm cho chị em một cách thiết thực. Dự kiến chương trình này được tiến hành thí điểm ngay sau Đại hội.
Thứ hai, thành lập Ban vận động Hiệp hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng. Ban vận động sẽ khảo sát số lượng và lĩnh vực chị em đang tham gia, đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động, xây dựng các mô hình tạo sân chơi thu hút không chỉ giới trí thức mà mọi tầng lớp phụ nữ.
Thứ ba, từ nay đến cuối năm, Hội phối hợp với các trường Đại học tổ chức diễn đàn “Nữ sinh viên hôm nay-Nữ nghị sĩ tương lai”.
Bên cạnh đó, Hội triển khai thêm những sân chơi bổ ích như Ngày hội phụ nữ sáng tạo, nhằm tôn vinh tài năng, công sức của phụ nữ...
* P.V: Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội LHPN thành phố nhiệm kỳ qua đã để lại dấu ấn bằng việc duy trì mối quan hệ với 15 tổ chức quốc tế, khai thác nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ… Trong nhiệm kỳ mới, đâu là cơ hội, thách thức trong lĩnh vực đối ngoại của Hội, thưa chị?
- Chị ĐTKL: Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng của nhiều người từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự hợp tác quốc tế của thành phố cũng được mở rộng theo xu thế chung. Đây chính là cơ hội mang đến nhiều mối quan hệ tốt đẹp cho Hội LHPN thành phố. Trong quá trình phát triển đi lên của đất nước, chúng ta đang đứng ở một vị thế khác. Vì thế, phụ nữ phải khẳng định mình với tư thế bình đẳng trong quá trình phát triển. Việc hợp tác trong thời gian tới không chỉ gói gọn ở khía cạnh nhận hỗ trợ, viện trợ mà còn mang giá trị học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Trước đòi hỏi này, cán bộ Hội phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ và trau dồi kiến thức để tự tin hội nhập.
* P.V: Về cơ sở vật chất của Hội, trụ sở (1 Pasteur) của Hội LHPN là một địa điểm “vàng” với tổng diện tích trên 1 ngàn mét vuông, hai mặt tiền, nằm ngay vị trí trung tâm thành phố. Chị có nghĩ, sẽ là lãng phí nếu không biến nơi này trở thành điểm-đến-lý-tưởng của chị em, hay nói cách khác, nơi đây chính là “nhà văn hóa phụ nữ” với rất nhiều hoạt động sôi nổi?
- Chị ĐTKL: Hội LHPN thành phố Đà Nẵng được thành phố ưu ái dành cho một địa điểm làm việc rất lý tưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi không thể quên công sức của các cô, các chị tiền nhiệm ngay khi tiếp quản thành phố đã chăm lo xây dựng cơ sở Hội từ những ngày đầu khó khăn... Tri ân tất cả điều đó, thế hệ cán bộ ngày nay đã không ngừng vun đắp, xây dựng cơ sở Hội khang trang. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và những đòi hỏi không ngừng từ phía chị em, chúng tôi mơ ước Trung tâm Dịch vụ việc làm của Hội hiện nay sẽ được nâng tầm thành Nhà văn hóa phụ nữ từ 7-11 tầng bề thế với đa dạng các loại hình hoạt động văn thể mỹ, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống..., đồng thời sẽ là nơi tổ chức sự kiện định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Đây sẽ là điểm đến cuốn hút tất cả tầng lớp phụ nữ nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho chị em và cả gia đình họ. Để làm được điều này, Hội rất cần sự quan tâm của thành phố trong việc đầu tư trong những năm đến.
* P.V: Xin cảm ơn chị.
THU HOA (Thực hiện)