.

Đội Dân phòng cơ động tóc dài

.
20 thành viên Đội Dân phòng cơ động nữ (DPCĐN) phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có tuổi đời từ 28 đến 55, có cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một điểm chung là muốn cống hiến sức mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Mô tả ảnh.
Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ trong buổi lễ ra mắt.
 
Bước qua nhọc nhằn…

“Nắng tháng tám, rám trái bưởi”, dẫu vậy, chị Huỳnh Thị Bảy (SN 1967) vẫn cặm cụi xúc từng xô hồ nặng trĩu. Chị là thành viên của Đội DPCĐN được thành lập ngày 19-8 vừa qua. Trong bộ áo quần lao động, trông chị già hơn lúc làm lễ ra mắt đội. Hằng ngày, chị thức dậy từ 4 giờ 30 sáng để lo cơm nước cho chồng con; 7 giờ, đạp xe đến công trình làm việc. Quần quật suốt ngày với vữa hồ nặng trĩu, canh cánh nỗi lo cuộc sống gia đình. Nhưng, khi Hội LHPN phường vận động chị em vào Đội dân phòng, chị tình nguyện tham gia khi chưa kịp hỏi ý kiến chồng. Chị thổ lộ: “Nghèo thì mình sống theo kiểu nghèo nhưng cũng phải biết cống hiến cho xã hội chứ!”.

Chị Nguyễn Thị Tiến (SN 1963) có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong tất cả đội viên DPCĐN. Chồng mất cách đây 2 năm, con đông, cộng thêm đứa con gái 25 tuổi bị nhiễm chất độc da cam, chị phải nương nhờ vào quán cà-phê cóc mới tạm đủ lo cho cuộc sống. Nhưng không vì hoàn cảnh mà chị chùn bước, trái lại, chị tham gia làm mọi công việc ở địa phương, từ hòa giải cơ sở đến giáo dục thanh-thiếu niên hư. Chị cũng là một trong những người đăng ký tham gia vào đội sớm như thể sợ ai đó “giành” phần của mình…

Góp chút sức để nhân dân an bình
Trời đã xế chiều, mẻ hồ cũng vừa hết, chị Huỳnh Thị Bảy vội vã đạp xe về nhà và lo xong chuyện bếp núc để kịp lên trực tại trụ sở Công an phường theo lịch. Khoác trên mình chiếc áo dân phòng với chiếc thẻ Đội viên dân phòng nữ, trông chị khác hẳn những lúc nhọc nhằn mưu sinh. Trung tá Huỳnh Ngôn, Phó trưởng Công an phường Khuê Mỹ cho biết, không đợi khi vào Đội dân phòng chị Bảy mới tích cực tham gia công tác bảo vệ ANTT, trước đó, chị đã là nhân tố điển hình trong phong trào ở cơ sở. Chị thường tham gia hòa giải các cặp vợ chồng bạo hành, giúp các cháu thiếu niên hư trở thành người có ích… Nhờ đó, tổ dân phố nơi chị sinh sống luôn trong sạch, ổn định. Còn bây giờ, chị tự hào mình là thành viên của “Đội quân tóc dài”. Đến trực và đi tuần tra, chị thấy mình như trẻ ra, quên đi cái nhọc nhằn của một ngày lao động. “Tôi cùng với các chị em trong đội phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ mà địa phương giao”, chị Bảy nói.

Cũng như chị Bảy, mỗi khi đêm xuống, chị Hồ Thị Thêm (SN 1967 - Đội phó Đội DPCĐN) luôn sắp xếp công việc đến trực đúng giờ dù ban ngày phải nhọc nhằn kiếm sống. Khi nhận được điện thoại của Công an phường là chị có mặt. Chị tâm sự: “Làm dân phòng nữ sẽ có nhiều lợi thế, nhất là sẽ giúp cho lực lượng Công an trong việc truy bắt, điều tra các vụ án mà có đối tượng nữ tham gia. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, tham gia hòa giải ở cơ sở cũng như huy động lực lượng ở cơ sở khi có thiên tai xảy ra.
 
Chúng tôi cố gắng góp chút sức mọn để cuộc sống nhân dân được an bình”… Không kém các chị em trong Đội DPCĐN, chị Nguyễn Thị Hằng cũng hết sức tích cực tham gia công tác. Chị chia sẻ: “Tham gia công tác giữ gìn ANTT ở địa phương không chỉ có đàn ông mà đây cũng là một phần trách nhiệm của phụ nữ chúng tôi. Từ khi vào đội, tôi cảm thấy rất vui dù biết trách nhiệm không phải là nhỏ. Được vào đội dân phòng, đó là quyền lợi và cũng thể hiện quyền bình đẳng của phụ nữ. Đàn ông làm được, phụ nữ sao lại không?”.

Bài và ảnh: Trường Sơn
;
.
.
.
.
.