Đối với những người khác, 210 ngàn đồng chẳng đáng là bao, nhưng đối với bà cụ Nghết ở tuổi 80 ngày ngày vẫn còng lưng đi bán từng tờ vé số mới đáng quý biết bao.
Bà Đoàn Thị Nghết (ngoài cùng bên trái) đang trò chuyện cùng đại diện Hội Người cao tuổi phường Hòa Thuận Tây. |
“Đủ tiền mua gạo”
Trời chiều dần tắt nắng, bóng dáng lầm lũi, gầy còm, nhỏ xíu của bà cụ Đoàn Thị Nghết (tổ 17, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) lại lần mò trở về căn nhà nhỏ. Xoa xoa đôi chân sưng lên vì đi nhiều, bà bảo: “Quen rồi cô ạ, hơn 20 năm rong ruổi ngoài đường bán vé số mà. Phải cố gắng để còn có cái ăn chứ”. Chồng mất sớm, một mình bà lặn lội thân cò nuôi con những mong sẽ được nhờ nhưng kiếp nghèo vẫn cứ đeo bám bà cho đến bây giờ. Số tiền làm bảo vệ ngoài chợ của con trai nuôi sống anh và vợ cùng hai con nhỏ cũng đã chật vật, huống hồ nuôi mẹ. Vậy là bà Nghết ngày nắng cũng như mưa, bươn bả ngoài đường bán từng tờ vé số. Những lúc bị kẻ gian giật mất xấp vé số coi như nhiều ngày sau cụ bà chịu bữa đói, bữa no. “Cũng may “ông” thành phố trợ cấp mỗi tháng 210 ngàn đồng nên đủ tiền mua gạo, mua thêm cho cháu mấy quyển vở để học” - Bà Nghết cười móm mém. Bà còn vui mừng thông báo nhờ sự hỗ trợ của địa phương 15 triệu đồng mà cái nền nhà của bà được nâng lên cao hơn, đôi chân già không còn phải lội bì bõm mỗi khi mùa mưa đến.
Còn với cụ ông Trần Quốc Tông (74 tuổi, ở tổ 42, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), số tiền hỗ trợ hằng tháng 300 ngàn đồng của thành phố là nguồn sống của ông. Ông lấy vợ nhưng không có con, lại thêm bị bệnh tật nên người vợ dứt áo ra đi. Nhọc nhằn đời công nhân trên nông trường trồng cao su ở Nghệ An được một thời gian, phần vì bệnh yếu, tuổi cao, ông về tá túc ở nhà người cháu ruột. “Có tiền trợ cấp của thành phố, cũng đỡ cho cháu phần nào chứ tui giờ bệnh tật thế này, đâu có làm chi được”, ông bộc bạch.
Không cô đơn
Những ngày này, hơn 30 cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng đang tất bật lo sắp xếp, chuẩn bị quần áo ấm cho các cụ khi mùa đông đang đến. 59 cụ già ở trung tâm là 59 mảnh đời bất hạnh, đầy nước mắt. Hằng ngày, họ vẫn được các “con” (những nhân viên ở trung tâm-P.V) giặt quần áo, được ăn những bữa ăn ngon lành và cảm giác cô đơn, lo âu đã không còn nữa. Trung tâm thực sự là ngôi nhà thứ hai của họ. Cụ ông Lê Văn Nhân (79 tuổi) phấn khởi cho biết: “Ở đây, các cô chú chăm sóc chúng tôi rất chu đáo, ăn uống cũng đầy đủ. Mọi người ai cũng coi nhau như người ruột thịt”.
Ngoài Trung tâm Bảo trợ xã hội, hiện tại Mái ấm tình thương và Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng cũng có hơn 100 cụ đang được phụng dưỡng. Phần lớn trong số họ đều tuổi cao, sức yếu, đời sống khó khăn, nhiều người không còn ai thân thích. Đà Nẵng được coi là một trong số ít địa phương không có người cao tuổi sống lang thang và số người cao tuổi không nơi nương tựa đều được đưa về chăm sóc tại các trung tâm. Việc trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi của Đà Nẵng thường cao hơn mức của Trung ương quy định. Bằng nguồn ngân sách của mình, thành phố bù vào tiền phụng dưỡng cho đủ 1 triệu đồng/người/tháng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên Trung ương quy định mức trợ cấp 180 ngàn đồng/người/tháng thì Đà Nẵng trợ cấp theo 3 mức từ 180 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/tháng. Người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc thuộc diện nghèo, không có con cháu, người thân thích để nương tựa được hưởng mức trợ cấp từ 210 ngàn đồng/tháng đến 410 ngàn đồng/tháng... Hiện thành phố đã chi 1,1 tỷ đồng/năm để trợ cấp hằng tháng cho hơn 1 ngàn cụ thuộc diện này.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Hằng năm mức trợ cấp cho người cao tuổi toàn thành phố là hơn 23 tỷ đồng. Hiện toàn thành phố không còn hộ có người cao tuổi ở nhà dột nát, tạm bợ. Thực hiện theo Luật Người cao tuổi, thành phố Đà Nẵng thành lập khoa Lão khoa tại Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố với 50 gường bệnh, có 12 y, bác sĩ chuyên trách khám và điều trị bệnh...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ