“Những đối tượng mang lệnh truy nã (TN) luôn tạo cho mình những vỏ bọc để trốn tránh lực lượng Công an và sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Bởi vậy, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát truy nã tội phạm luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi làm nhiệm vụ”, Thượng tá Nguyễn Thảnh, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) Công an thành phố Đà Nẵng tâm sự.
Với 19 CBCS nhưng Phòng CSTNTP đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. TRONG ẢNH: Tập thể Phòng CSTNTP cùng lãnh đạo Công an thành phố trong ngày ra mắt đơn vị.
|
Có dịp chứng kiến CBCS Phòng CSTNTP truy bắt đối tượng TN, chúng tôi mới thấy lời của Thượng tá Nguyễn Thảnh là chính xác. Một ngày tháng 8, đang mật phục tại Ngã ba Huế, hai CBCS CSTNTP phát hiện một đối tượng mình mẩy đầy hình xăm, có lệnh TN đặc biệt về tội “Cố ý gây thương tích” xuất hiện nên đã ập đến bắt giữ. Đối tượng hung hăng chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát. Phải khá vất vả 2 CBCS mới khống chế được y và kiểm tra trong người, phát hiện có một con dao bấm sắc lịm.
Trung úy Trần Tuấn Vũ, trinh sát Phòng CSTNTP cho biết: “Phải yêu nghề mới kiên nhẫn trụ nổi với nghề! Chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với những tên tội phạm đã gây ra điều xấu, điều ác và rất giỏi trốn tránh. Phải chịu khó lần tìm từng manh mối mới đến được cái đích mình cần!”. Vũ cho biết, trong suốt 1 năm làm nhiệm vụ ở Phòng CSTNTP, anh tham gia bắt hàng chục đối tượng. Trong đó, anh nhớ nhất là lần bắt đối tượng Đỗ Trọng Nghĩa. Năm 2006, Nghĩa bị TN về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đầu tháng 7-2011, qua thông tin nghiệp vụ, Vũ nắm được thông tin Nghĩa đang lẩn trốn tại thành phố Hồ Chí Minh nên cùng đồng đội lên đường truy bắt. Suốt 3 ngày lăn lộn tại đất khách quê người, có những lúc quên ăn quên ngủ, cuối cùng cũng tra tay tên Nghĩa vào còng.
Trung úy Phùng Đình Lợi, trinh sát thuộc Đội trật tự xã hội cũng đã tham gia bắt giữ nhiều đối tượng TN nguy hiểm. Tuy nhiên, là một trinh sát phụ trách lĩnh vực hình sự, anh ý thức được rằng bắt những đối tượng này rất có thể phải đổ máu. Do đó, ngoài công tác truy bắt, anh thường xuyên đề cao công tác vận động đối tượng ra đầu thú. Anh chia sẻ: “Hằng ngày, anh em chúng tôi đến những gia đình có người bị TN để động viên, phân tích những phải trái, được mất để họ hợp tác. Bên cạnh đó, chúng tôi thường phát thư kêu gọi đến các gia đình, các khu dân cư, cộng đồng để cho gia đình cũng như đối tượng bị TN biết… Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều đối tượng đã ra đầu thú, giảm bớt nguy hiểm cho chúng tôi khi khi truy bắt”.
“Có nhiều đối tượng lẩn trốn, sống chui nhủi hàng chục năm, đến nỗi những người phát lệnh TN đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đi nơi khác. Thậm chí, nhiều đối tượng “đổi đời” sống giàu có, thành đạt và trong con mắt của cộng đồng nơi ở lại là người lương thiện...”, Thượng tá Huỳnh Văn Bình, Phó Trưởng phòng chia sẻ. Trường hợp Nguyễn Kim Long, bị Cơ quan an ninh ra lệnh truy nã từ năm 1996 về tội “Vượt biên trái phép” là một điển hình. Sau khi trốn vào thành phố Hồ Chí Minh, Long đã thay tên đổi họ và làm ăn rất khấm khá. Tưởng đâu Long sẽ thoát khỏi vòng lao lý nhưng từ khi Phòng CSTNTP Công an thành phố Đà Nẵng ra đời, Long trở thành tâm điểm chú ý của các CBCS. Giữa năm 2011, Long bị bắt trước sự ngỡ ngàng của vợ con và cả chính quyền sở tại.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trương Văn Phát, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSTNTP cho biết: “Từ ngày thành lập đơn vị (ngày 9-9-2010) đến nay, dù biên chế chỉ 19 CBCS, khó khăn bủa vây khó khăn, song tập thể phòng luôn nhất trí, đồng lòng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua 1 năm, toàn đơn vị đã truy bắt, vận động hơn 100 đối tượng có lệnh TN ra đầu thú. Từ nay đến cuối năm, thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an, Công an thành phố, Phòng CSTNTP tiếp tục triển khai các giải pháp đấu tranh với tội phạm TN, phấn đấu làm giảm sự phát sinh tội phạm TN, giữ vững trật tự an toàn xã hội”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ