Mang thai không chỉ là niềm hạnh phúc thiêng liêng mà với không ít người là gánh nặng “bất đắc dĩ” khi đồng lương không đủ chi phí cho những thứ phát sinh, nhất là khi giá cả tăng.
Chóng mặt theo… bầu
Cưới được 1 năm, anh Lê Thanh Hùng (Công an huyện Hòa Vang) mừng vui khôn xiết khi vợ, chị Nguyễn Thị Tố Nga (nhân viên Tòa án) mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, hai anh chị phải đối mặt với “khó khăn chồng chất khó khăn”. Anh Hùng bày tỏ, với tổng thu nhập một tháng chưa đến 6 triệu đồng, anh chị phải dè xẻn lắm mới chi trả đủ các chi phí cho cuộc sống. Lúc mới cưới, hai vợ chồng chỉ dám thuê phòng trọ ở xa, rộng chưa đến 15 mét vuông với giá 500 ngàn đồng/tháng.
Vừa nóng vừa chật, chịu khó rồi cũng qua. Nhưng từ khi chị Nga có bầu, sợ ảnh hưởng sức khỏe của hai mẹ con, vợ chồng anh “đánh liều” thuê căn phòng rộng hơn với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Nhưng có được nhà “mới” để ở thì vợ chồng chị lại phải cắt giảm những khoản khác. Chị Nga bảo: “Biết là có bầu phải bồi dưỡng nhiều nhưng bây giờ thứ gì cũng tăng giá. Khổ nhất là mỗi lần đi chợ, mình phải suy nghĩ đau cả đầu để làm sao mua được đồ “ngon, bổ nhưng rẻ”.
Nhiều lúc cũng sợ ăn uống không đủ chất con dễ bị suy dinh dưỡng nhưng biết sao được vì ngoài 9 tháng 10 ngày mang bầu, tụi mình còn phải dành tiền nuôi con nữa”. Éo le hơn là trường hợp của chị Đỗ Thị Hồng Yến (Công ty TNHH Hương Sơn). Suốt 3 tháng đầu thai kỳ, do thai yếu, chị Yến phải tiêm, uống thuốc dưỡng thai thường xuyên với chi phí 1 triệu đồng/tháng. So với đồng lương của hai vợ chồng chị, đây là một khoản không hề nhỏ. Vẫn chưa hết, có bầu đến tháng thứ 6 nhưng phần vì bị ốm nghén ba tháng đầu, phần vì kinh tế eo hẹp, hay lo nghĩ lại ít bồi dưỡng nên chị Yến mới tăng được 3 kg. Chị buồn rầu bảo: “Đi khám, bác sĩ cảnh báo mình phải tăng cường chế độ ăn uống, nếu không, nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén rất cao. Mình lo quá”.
Một nỗi lo khác đối với những bà bầu có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp đó là việc mua sắm chuẩn bị đón em bé chào đời và thời kỳ hậu sinh. Với những người có tiền, chỉ cần đến shop, bỏ ra từ 5 - 7 triệu đồng là “không thiếu thứ gì”. Sau sinh, chỉ cần thuê thêm người giúp việc là có thể yên tâm đi làm. Nhưng với chị Nga: “Đi siêu thị thấy đồ dành cho trẻ sơ sinh cái gì cũng đẹp, mẫu mã đa dạng nhưng tụi mình chỉ đi và nhìn cho “đã” thôi”.
Mang tiếng oan vì… nghèo
Để tiết kiệm tiền cho việc nuôi con sau sinh nên khi mang bầu đến tháng thứ 8, chị Nguyễn Thị Linh đã dọn về ở cùng nhà chồng. Chị tâm sự: “Nếu ở lại chung cư, mình vừa phải thuê người nuôi đẻ (4,8 triệu đồng/tháng) vừa phải thuê người giúp việc (1,7 triệu đồng/tháng). Với thu nhập và tiền tiết kiệm lâu nay mình chắt chiu cũng không kham nổi. Thế rồi, bố mẹ chồng mình xuống gợi ý bảo hai vợ chồng về ở chung, ông bà lo cho hết từ chuyện ăn uống đến mua sắm mọi vật dụng cần thiết.
Mình thì cứ vô tư không nghĩ gì. Mấy ngày đầu rất vui vẻ, nhưng khi mình nằm sinh mới phát sinh đủ thứ. Thỉnh thoảng mẹ chồng còn bóng gió nói tụi mình về ăn bám, có tiền mà kiết. Buồn lắm nhưng ráng chịu vì lỡ về rồi”. Đỗ Thị Hồng Yến bộc bạch: “Mình nghèo, cha mẹ cũng nghèo nên làm gì cũng “nêu cao tinh thần tiết kiệm”. Mọi người nghĩ oan, tại mình kiết quá nên con mình có nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Có ai hiểu là vợ chồng mình lương tháng có 5 triệu, không tiết kiệm lấy gì nuôi con”.
Mang thai là quá trình “gian khổ” và đầy áp lực đối với người phụ nữ. Riêng những người có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp càng cực hơn khi giá cả tăng cao mà đồng lương thì có hạn.
Khánh Hòa