.

Nhức nhối chuyện người tâm thần gây án (tiếp theo)

.

Chung tay vì người bệnh tâm thần

Theo phân tích của các nhà tâm lý học, phổ biến hiện nay là bệnh nhân TT phân liệt, bệnh động kinh phát bệnh vì một bệnh lý của não, do những biến đổi sinh học phức tạp hoặc vì tác động bất lợi của môi trường tâm lý xã hội. “Ở ngoài cộng đồng, người TT gây án thường bị xung động bất chợt, thường là bị chứng ảo giác như ảo thanh, ảo thị, ảo thính, ảo khứu.

Nhưng tập trung nhiều nhất ở trường hợp ảo thanh. Ở loại này, khi người TT lên cơn, bên tai luôn văng vẳng âm thanh của sự sai khiến buộc phải giết người. Vì vậy, nếu không phát hiện ngăn chặn kịp thời sẽ xảy ra hậu quả đau lòng”, bác sĩ Trần Văn Mau, Phó Giám đốc BVTT Đà Nẵng nói. Theo bác sĩ Mau: Người tâm thần ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của gia đình, hàng xóm. Mặt khác, nhiều gia đình có người mắc bệnh TT không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị mà chỉ muốn đưa đến các phòng khám tư nhân hay điều trị ở nhà; số khác còn không đi điều trị bằng tây y mà chủ yếu tìm thầy cúng. Thậm chí có gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu giếm tình trạng của người bệnh và bỏ rơi người bệnh. Trong khi đó, theo luật, việc chấp nhận để người bệnh được vào danh sách Nhà nước quản lý hay không, thì lại phải chờ tới sự cho phép của gia đình người bệnh. 

Trường hợp bệnh nhân Phạm Dũng ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên dùng dao chém trọng thương mẹ ruột của mình là một minh chứng cho việc thiếu quan tâm của gia đình, xã hội. Dũng có tiền sử bệnh TT rất nặng. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm, bệnh nhân Dũng không được đưa đi chữa trị. Năm 2007 vì bị quá nặng, Dũng hay quấy phá, hành hung người khác nên chính quyền địa phương bắt buộc đưa đi chữa trị. Được một thời gian thì bệnh lý ổn định, được BVTT Đà Nẵng cho trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng khi trở về, gia đình lại bỏ mặc, không tái khám, y tế địa phương đến thì không hợp tác dẫn đến bệnh tái phát và gây hậu quả nghiêm trọng. “Có những gia đình còn cho rằng, con mình không bị tâm thần, hoặc bị nhẹ. Nhưng thực chất, khi đưa đến bệnh viện thì đã đến giai đoạn rất nặng. Nhiều trường hợp lại do thương con nên khi đến bệnh viện chưa được bao lâu đã xin bác sĩ cho đưa về nhà vì sợ xã hội dị nghị. Tuy nhiên, chỉ vài ngày đã gây họa”, bác sĩ Lê Văn Nguyên, Phó trưởng khoa Pháp y TT và cai nghiện chất BVTT Đà Nẵng, cho biết.

Để quản lý tốt những người TT ở cộng đồng, Thượng tá Trần Văn Long, Phó trưởng phòng PC45 cho rằng vai trò của gia đình là rất quan trọng. Theo Thượng tá Long, bệnh nhân phải được cha mẹ, người thân trong gia đình chấp nhận, thông cảm và thương yêu, không kỳ thị, bỏ mặc. Phải chăm sóc như một bệnh nhân bình thường và thường xuyên phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám định kỳ, giúp người bệnh tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Còn theo bác sĩ Mau, không phải bệnh nhân TT nào cũng có thể gây nguy hiểm cho người khác nếu gia đình có sự quan tâm, cho uống thuốc theo đúng chỉ định của các bác sĩ chuyên ngành. Tuy nhiên, để làm được điều này gia đình cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương. Phải thường xuyên khai báo bệnh tình, không giấu giếm. Đặc biệt lưu ý, không cho bệnh nhân TT sử dụng các chất kích thích như bia, rượu và không để cho bệnh nhân tâm thần bị những tác động mạnh về tâm lý.

“Tuy nhiên, ngoài vai trò gia đình thì trách nhiệm của xã hội cũng hết sức lớn lao. Để đưa người bệnh TT tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa được tình trạng phạm tội cần phải có sự thông cảm, chia sẻ của những người xung quanh. Các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền nhân dân, quản lý tốt người bệnh ở khu dân cư. Đối với những trường hợp bị bệnh nặng, mãn tính hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cần đưa vào Trung tâm điều trị người tâm thần Đà Nẵng để quản lý”, bác sĩ Trần Văn Mau nói.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.