Mới 10 giờ trưa mà Nguyễn Thanh L. và nhóm bạn 4 người đã cưa hết 3 lít rượu gạo. Chưa đủ đô, họ lên xe máy đi tìm quán nhậu tiếp và tai nạn đã xảy ra... Khi đó mới chỉ 11 giờ sáng ngày 19-9.
Phần lớn TNGT đường bộ thường liên quan đến rượu, bia. TRONG ẢNH: Cấp cứu một bệnh nhân TNGT có sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.
|
“Hôn mê kép” trên giường bệnh
Đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng, Nguyễn Thanh L. hôn mê ngay trên giường bệnh, phần đầu bị chấn thương, nạn nhân bất tỉnh do va chạm mạnh và do rượu nên các bác sĩ phải theo dõi các chấn thương vùng kín, đặc biệt là chấn thương sọ não. Cho đến 15 giờ chiều, L. vẫn chưa tỉnh rượu, nằm bất động trên giường bệnh. Kết quả đo nồng độ cồn trong máu là 103,7mmol/ml máu. Đây là chỉ số rất cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh và hôn mê lập tức sau khi xảy ra TNGT. Ở một vụ TNGT khác, cũng do rượu bia nên anh Lê Văn S. không làm chủ tay lái, tự tông vào dải phân cách đường, gây xuất huyết não. Bệnh nhân này phải theo dõi điều trị đặc biệt tại khoa theo dõi chấn thương nặng (CCU) Bệnh viện Đà Nẵng. Đến nay đã hơn 15 ngày điều trị, nhưng nạn nhân vẫn chưa qua cơn nguy kịch...
Đó chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp TNGT có sử dụng rượu bia mà Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận mỗi ngày. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, làm việc tại khoa này cho biết: “Các vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia đưa vào đây cấp cứu thường rất nặng và hầu hết là thanh niên. Do bị đa chấn thương nên trung bình chi phí để chữa trị mỗi ca tai nạn là từ 5 đến 10 triệu đồng. Cá biệt, có những ca điều trị lên tới 30 triệu đồng, nhưng vẫn còn để lại di chứng tàn tật sau này cho nạn nhân”.
“Nếu xảy ra tai nạn mà bệnh nhân không sử dụng rượu, bia thì nguy cơ hôn mê sâu và tổn thương sọ não thường ít hơn. Bởi người điều khiển có đủ tỉnh táo để phản xạ, không để đầu ngã xuống đất khi va chạm. Còn ngược lại, người bệnh rất dễ bị hôn mê kép, một phần do vết thương nặng vùng đầu và một phần do nồng độ cồn quá cao trong máu” - bác sĩ Huỳnh Đình Lai, Phó Khoa Hồi sức- cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.
Hơn 60% vụ TNGT có sử dụng rượu bia
Theo thống kê của Trung tâm Cấp cứu thành phố, trong 6 tháng đầu năm đã cấp cứu gần 2.200 ca TNGT. Trong đó, hơn 60% vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện có sử dụng chất cồn trong khi tham gia giao thông. Kết quả nói trên cũng tương đương với những con số đưa ra trong một khảo sát dựa trên kết quả đo nồng độ rượu của các trường hợp TNGT tại Khoa sinh hóa, Bệnh viện Đà Nẵng trong tháng 7 vừa qua. Trong số 35 mẫu máu thu nhận được tại các quận, huyện chuyển đến thì có đến 27 mẫu có nồng độ cồn trong máu cao. Khi so sánh với mức độ tổn thương, các chỉ số này là nguyên nhân do người uống rượu bia quá nhiều, gây ra tai nạn.
Ông Jonathon Passmore - Chuyên gia phòng chống tai nạn thương tích (thuộc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng, người đã uống rượu, bia thì không nên lái xe vì các nghiên cứu y tế cho thấy, khi có nồng độ cồn trong máu là 40mg/100 ml máu thì nguy cơ dẫn tới tai nạn cũng đã rất cao, với nồng độ cồn quá 50mg/ml máu thì nguy cơ xảy ra tai nạn gấp 40 lần so với mức 0. Do vậy, cách tốt nhất là không nên sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Bởi, một khi xảy ra TNGT thì nguy cơ tổn thương não, ảnh hưởng đến tính mạng của người có uống rượu là rất lớn, gây hậu quả khôn lường về vật chất và tinh thần cho bản thân người bị TNGT và gia đình của họ.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG