.

Nỗi niềm mỏ đá - Bài cuối: Nỗi lo không của riêng ai

.
Để có nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình, các mỏ đá buộc phải khai thác liên tục. Vất vả, hiểm nguy, công nhân lãnh đủ. Ô nhiễm môi trường, người dân sống gần bức xúc. Mỏ đá vi phạm bị xử lý, chủ mỏ than trời… Đằng sau những xe đá thành phẩm phục vụ cho những công trình xây dựng là cả một câu chuyện dài về hoạt động mỏ đá.

Mô tả ảnh.
Phát triển môi trường bền vững, thành phố cần có quy hoạch tổng thể các mỏ đá.
 
Trên tuyến đường vào khu vực các mỏ đá Phước Thuận, Phước Hậu, Hố Bạc (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) bị các đoàn xe ben chở đá cày nát, ô  nhiễm bụi bẩn đáng báo động. Mặt đường nham nhở đầy những ổ gà, ổ voi, qua vài trận mưa nhỏ đã xuất hiện liên tiếp những “ao cá”. Chúng tôi chạy xe quanh co men theo những đoạn bùn nhão lầy lội, cuối cùng cũng đến được khu vực khai thác đá. Có mặt tại mỏ đá Hố Bạc (một trong những mỏ lớn tại Đà Nẵng), thấy chúng tôi, nhiều người dân xúm lại tranh nhau “kể tội” các mỏ đá về tình trạng ô nhiễm môi trường. Do không sống chung được với các mỏ đá ở gần nhà, hàng chục hộ dân đã dọn đi khu vực khác. Hồi tháng 5-2011, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã đích thân đến địa bàn này kiểm tra và yêu cầu các chủ mỏ phải thực hiện đúng quy định và bảo đảm an toàn lao động cũng như giải quyết ô nhiễm môi trường cho người dân.

Theo các cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, vì nhiều lý do, một số mỏ đã không thực hiện đúng quy trình về khai thác. Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, vi phạm chủ yếu ở khâu chưa thực hiện việc cắt tầng khai thác như quy định tại mái ta-luy đá dốc đứng, cao tới 20-30m. Trong đó, mỗi tầng khai thác có chiều cao cách nhau 3m và chiều rộng 1m trở lên để công nhân có thể đi lại dễ dàng. Việc cắt tầng phải được thực hiện từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Một số mỏ khai thác cũng chưa tuân thủ việc khoan thăm dò địa chất trước khi sản xuất để không khai thác đá theo mặt trượt của mỏ, các mỏ không có hàm ếch, không bị cắt chân trong quá trình khai thác. Công nhân trực tiếp phá đá, nổ mìn chỉ sử dụng bảo hộ lao động như quần áo, mũ, giày, thắt lưng chuyên dụng, chưa rõ quy trình treo, bám dây an toàn.

Ký quỹ phục hồi môi trường
Việc sử dụng khoản ký quỹ dựa trên QĐ 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục đích nhằm cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tính đến cuối tháng 6-2011, tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường tại thành phố Đà Nẵng trên 3,3 tỷ đồng (từ các dự án khai thác khoáng sản nói chung). Các mỏ đá tại Đà Nẵng đang trong quá trình khai thác, do đó chưa có dự án nào đề nghị hoàn trả số tiền ký quỹ.
Phân tích các vi phạm này, cơ quan chức năng nhận thấy các doanh nghiệp đã chạy đua với sản lượng, năng suất lao động và lợi nhuận, nên lơi lỏng việc tuân thủ các quy trình, quy phạm về khai thác và sản xuất đá vật liệu xây dựng. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, nhất là Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất tại các mỏ đá vật liệu xây dựng. Suốt nửa tháng 8-2011, Đoàn thanh tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiến hành làm việc với 10 mỏ đá, phát hiện những vi phạm trong an toàn lao động và chủ yếu nhắc nhở. 9 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 8 cuộc kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm. Trong đó, kiểm tra đột xuất và xử lý 2 đơn vị khai thác đá ngoài diện tích cho phép là mỏ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Vạn Tường và mỏ Phước Nhân của Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ.

Ở những mỏ đá, bên cạnh mồ hôi, nước mắt và cả máu của người công nhân, những bức xúc của người dân địa phương là những tâm tư của các chủ mỏ. Ông Nguyễn Văn Chưởng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cẩm Phát) cho hay, công ty ông vừa mới được cấp phép khai thác lại, song chỉ được cấp trong thời hạn 1 năm, trong khi đó trước đây giấy phép được khai thác trong 3 năm. Điều này làm khó cho đơn vị do không dám bỏ tiền vào đầu tư trang thiết bị mới vì giấy phép ngắn hạn. Công nhân cũng phập phồng lo việc làm sẽ không ổn định, rồi các bạn hàng lớn cũng e ngại khi ký hợp đồng với mình.

Chia sẻ về điều kiện, ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến thổ lộ: “Đầu tư mỏ đá mục đích đầu tiên là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, trước hết là người thân của mình. Đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Người ngoài nhìn vào cứ chỉ trích chủ mỏ chỉ biết lợi nhuận, không lo gì đến tính mạng công nhân, nhưng ít ai hiểu rằng, nếu người lao động có hề hấn gì thì trách nhiệm của chủ mỏ là rất lớn. Nhiều đêm sau cơn mưa lớn, các công nhân ngủ hết, chủ mỏ phải thức trắng đêm đi khảo sát các khu vực khai thác để nghe tiếng nứt của đá, đoán biết trước được tình trạng nguy hiểm để phòng tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra”.

Đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng vẫn không có con số cụ thể số công nhân làm việc tại các mỏ đá. Một cán bộ sở này giải thích do tính chất công việc mà các mỏ thường xuyên thay đổi lao động. Điều này có thể hiểu vì sao nhiều mỏ đá không thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH cho công nhân của mình. Và có những mỏ đá “chui” vẫn hoạt động, chỉ đến khi có sự cố xảy ra, các cơ quan quản lý và chính quyền mới biết.

Bài và ảnh: Duyên Anh – Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.