“Đến nơi ở mới, người dân lo nhất là có cái nghề để kiếm sống”, anh Nguyễn Cường, tổ trưởng tổ 1 Khuê Đông, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn trăn trở. Gần như 100% dân của khu vực Khuê Đông đều sống nhờ nghề nông, bây giờ, bắt đầu cuộc sống tại khu đô thị mới thì với họ, quan trọng nhất vẫn là giải tỏa nhu cầu bức thiết về việc làm và thu nhập.
Thu nhập của chị Lê Thị Loan chủ yếu từ trồng rau. |
“Làm chi để sống?”
Xòe hai bàn tay thô ráp, chị Lê Thị Loan tâm sự: “Bàn tay chị bị đau từ hồi đi làm cá đông lạnh đó. Làm công nghiệp không được, chị về làm ruộng thấy tự do hơn. Chừ nếu giải tỏa, không biết làm chi khi hết đất ruộng. Chị đau cột sống nên không đi phụ hồ được. Mọi năm, trồng mấy sào bí, rau muống, khoai môn, rau bồ ngọt, mồng tơi, vừa để bán, vừa ăn, thu nhập cũng đủ sống quanh năm. Chị lo giải tỏa lên khu mới không biết làm chi để sống. Làm ruộng thoải mái đầu óc, không lao lực nhiều, sống tự do”. Nỗi trăn trở của người nông dân trước khi chuyển đến nơi ở mới cứ theo họ thường trực. Trong câu chuyện nói với nhau, họ vẫn cứ lo lắng về việc tìm cái nghề để kiếm sống khi vào khu đô thị mới, nhất là với những người đã trên 40 tuổi như chị Loan.
Cái lý của những người nông dân ở đây là họ đã bao đời gắn bó với ruộng vườn, thiếu tiền thì còn dựa vào đám rau, cây lúa, con heo, con gà. Cuộc sống nhàn hạ, vô âu vô lo, không phải bận tâm chuyện giờ giấc như đi làm công nghiệp và cũng không ai ràng buộc. “Nói đơn giản thế này, có ruộng vườn, em mượn tiền người ta còn cho. Giờ đi lên khu ở mới, ai cho mượn? Vì mượn biết lấy chi mà trả. Mấy đứa trẻ còn đi làm chứ người già biết làm chi. Lên khu ở mới, phải lo đủ thứ chi phí như điện, nước, phí môi trường, tiền ăn học cho con cái... lấy đâu ra? Nói là sống nhờ tiền đền bù nhưng núi cũng lở nữa chứ tiền đền bù thấm vào đâu”, anh Nguyễn Cường giãi bày.
Vừa qua, thành phố đã phê duyệt gần 500 triệu đồng để hỗ trợ một vụ mùa không sản xuất được đối với 256 hộ giải tỏa đất nông nghiệp dự án Khu tái định cư phía Bắc đường vành đai phía Nam thành phố, tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn với 2.500 đồng/m2 cho diện tích 196.574 m2. Mặc dù được hỗ trợ nhưng người nông dân vẫn chưa thực sự an tâm. Hiện nay, phần lớn nông dân ở phường Hòa Quý đều có trình độ học vấn thấp, nhiều người trên 40 tuổi và không có bằng cấp. Họ cho rằng, nếu không làm nông thì chuyển sang làm những nghề lao động phổ thông như phụ hồ, may, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp… Còn buôn bán thì không phải ai cũng làm được, nhiều người còn sợ ế ẩm vì phải cạnh tranh lẫn nhau. Đối với người nông dân, tự do sống với ruộng vườn vẫn là điều họ ưa thích. Nhưng vì chính sách giải tỏa của thành phố, họ chấp nhận chia tay với cái nghề đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của mình và bắt đầu làm quen, hòa nhập dần với môi trường đô thị hiện đại.
Giải tỏa nỗi lo cho dân
Hòa Quý hiện có trên 1.043ha diện tích đất bị thu hồi, trong đó, hơn 60% là đất nông nghiệp. Khi nghe tin giải tỏa đền bù, cuộc sống của người nông dân bắt đầu xáo trộn. Họ luôn băn khoăn về thời gian phải di dời, địa điểm tái định cư và đau đầu nhất là chuyện đền bù, nhận đất tại nơi ở mới. Bà Huỳnh Thị Mai có gần 5 sào ruộng ở khu vực Khuê Đông, nhà và đất giải tỏa khoảng 400m2. Nhưng ở tuổi 72, sức khỏe không còn, bà luôn canh cánh trong lòng làm sao cân đối chi phí xây nhà mới, rồi còn để dành tiền dưỡng già. Bà nói nửa đùa nửa thật: “Nhà mấy đời làm nông. Lên khu mới rồi ngoại ngồi rung đùi chứ biết làm chi. Tiền đền bù giải tỏa ăn chi cho đủ. Có miếng đất lật qua lật lại, ngoại trồng rau sống vẫn đủ”. Chị Lê Thị Bốn, trú tại khu vực Bình Kỳ tâm sự: “Mình cũng mong giải tỏa, thay cũ đổi mới, nhưng thay đổi nhanh quá, sợ theo không kịp”.
Vẫn biết câu chuyện quy hoạch, giải tỏa là chính sách đúng đắn của thành phố nhưng song hành với nhiệm vụ này thì việc giải tỏa nỗi lo lắng về chuyện an cư lạc nghiệp hậu tái định cư của người nông dân cũng cần chú trọng và có một lộ trình hỗ trợ kéo dài. Từ những băn khoăn, lo lắng của bà con nông dân cho thấy, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương cùng các Ban dự án chưa thực sự tốt, nhất là trong việc tuyên truyền, động viên người dân đối phó với những biến đổi lớn trong cuộc sống của họ.
Theo ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý thì vẫn còn nhiều hộ dân băn khoăn về chuyện đền bù giá đất nông nghiệp, nhất là đối với các trường hợp đất nông nghiệp khai hoang từ sau giải phóng nhưng bà con không làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về chuyện việc làm, phường Hòa Quý hiện đã thực hiện hai mô hình là cơ sở may gia công dành cho chị em phụ nữ và một cơ sở làm nấm rơm. Tuy nhiên, về phía chính quyền, ông Huỳnh Kim cho rằng, cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để giải quyết việc làm cho các đối tượng nông dân, nhất là những người đã trên 40 tuổi. Điều quan trọng là giúp họ có một nguồn thu nhập ổn định, lâu dài và an tâm an cư tại nơi ở mới chứ không phải là dựa vào số tiền được đền bù để rồi “miệng ăn núi lở”, tiền dần hết mà nỗi lo sinh kế vẫn cứ đeo bám mãi.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: HÀ AN