Ngày 5-10 tới đây, cuộc diễn tập ứng phó động đất, sóng thần và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 (ST-11) lần đầu tiên của Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng với sự tham quan của 28 tỉnh, thành trong cả nước. Để cuộc diễn tập đạt được ý định đề ra, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và thành phố đã tích cực chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, vật chất với quy mô lớn nhằm huy động tổng lực ứng phó với sóng thần, động đất một cách hiệu quả nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người.
Hiệp đồng các lực lượng chuẩn bị cho diễn tập ST-11 tại chân núi Sơn Trà. |
Từ cuối tháng 8-2011, Ban chỉ đạo diễn tập đã tổ chức tập huấn khung diễn tập, quán triệt các văn bản của cấp trên về chỉ đạo ứng phó động đất, sóng thần, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành trong chuẩn bị và tổ chức diễn tập; xây dựng ý định, phương án diễn tập thực sự, thực tế, phù hợp với tình hình địa phương nhằm đạt hiệu quả cao. Việc hiệp đồng lực lượng giữa các địa phương với sở, ban, ngành, các lực lượng không quân, hải quân, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cũng được tổ chức chặt chẽ.
Qua đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị từ việc thông báo, báo động, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển và người dân trên bờ sơ tán đến việc chuẩn bị các khu vực, địa điểm sơ tán an toàn, tổ chức huy động lực lượng, xe cộ, tàu thuyền tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập trên biển, trên bờ sau khi động đất, sóng thần kết thúc. Đến nay, cuộc diễn tập đã được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về lực lượng, vật chất, phương tiện, trang bị, bảo đảm khả năng huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ” cho công tác ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn.
Theo giả định trong kế hoạch diễn tập ST-11, thành phố Đà Nẵng phải ứng phó với một cơn sóng thần cao 6m sắp ập vào bờ trong vòng muộn nhất 3 giờ nữa. Thành phố phải sơ tán hơn 27 nghìn hộ dân với 133 nghìn người thuộc 20 phường của 5 quận ven biển, trong đó có 6,5 nghìn du khách. Trên vùng biển có 75 tàu thuyền với 950 lao động, ven bờ có khoảng 450 chiếc khác đang neo đậu.Tâm điểm sóng thần là tổ 2, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Tham gia phối hợp diễn tập có gần 4.000 người, các phương tiện máy bay trực thăng, tàu thuyền, ca-nô và hàng trăm xe cứu thương, ô-tô, xe máy... thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, LLVT thành phố, dân quân, dân phòng, y tế, các sở, ban, ngành, cơ quan thông tấn báo chí, ngư dân, dân cư sinh sống tại phường.
Trong tình huống giả định trên, việc cứu người được đặt lên trên hết, đặc biệt là người già và trẻ em. Cuộc diễn tập sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Báo cáo kế hoạch ứng phó động đất, sóng thần của thành phố Đà Nẵng. Giai đoạn 2: Thực hành chỉ đạo điều hành thực binh triển khai các biện pháp ứng phó sóng thần gồm phát tin cảnh báo sóng thần, tổ chức sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn trên biển và đất liền, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân cư và tái thiết trên địa bàn. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra trên nhiều địa điểm từ bãi biển, khu vực dân cư ven biển đến các trường học, trụ sở UBND phường...
Tại buổi hiệp đồng các lực lượng chuẩn bị cho diễn tập vào ngày 13-9 vừa qua, các sở, ban, ngành, đơn vị quân đội, công an và địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm bổ sung, hoàn chỉnh để cuộc diễn tập sẽ diễn ra nhịp nhàng, đồng bộ với quy mô lớn. Theo đó, các ý kiến cho rằng cần mở rộng diễn tập ra nhiều địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường lực lượng đông hơn để cuộc diễn tập diễn ra trong tình thế khẩn cấp, sôi động hơn, từ đó mở rộng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khả năng phòng tránh đến mọi tầng lớp nhân dân. Các phương án sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cần sát thực tế hơn nữa. Trong diễn tập cần chú trọng, đề cao vai trò của các lực lượng tại chỗ ngay tại địa phương trong việc hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân sơ tán đến nơi an toàn, trong đó vai trò của các thầy, cô giáo trong các trường tiểu học, trung học cơ sở là rất quan trọng nhằm tập trung, hướng dẫn học sinh đến nơi trú ẩn kịp thời trong thời gian khẩn cấp.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập ST-11 Quân khu cho biết: “Đây là cuộc diễn tập thử nghiệm được Trung ương giao cho Đà Nẵng triển khai, nhằm kiểm nghiệm và từng bước hoàn thiện hệ thống quan trắc, tiếp nhận, xử lý thông tin cảnh báo sóng thần và bổ sung kế hoạch, phương án sát với thực tế, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành của Ban chỉ huy PCLB- TKCN các cấp, kiểm tra đánh giá khả năng huy động sức mạnh theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư về chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống khi có động đất, sóng thần xảy ra”. Diễn tập ST-11 sẽ là điều kiện tốt nhất để tất cả các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng như người dân và du khách được trải nghiệm thực tế và có những ứng biến nhanh, phối hợp đồng bộ nếu có tình huống thực tế xảy ra tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, trong đó ý thức phòng tránh, kỹ năng ứng phó, sơ tán nhân dân kịp thời, hiệu quả chính là thước đo thành công lớn nhất của diễn tập.
Bài và ảnh: CÁT TƯỜNG