“Khó khăn lớn nhất là vượt qua nỗi sợ của bản thân mình, cần vượt qua được sự tự ti, lo lắng... Điều quan trọng là không được đánh mất niềm tin của lãnh đạo quận vào thế hệ cán bộ trẻ. Chỉ có khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi mới có thể giúp mình đứng vững và tiến lên”. Chị Phạm Thị Hồng Hạnh (1981) (ảnh), Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu-Chủ tịch Hội cấp quận trẻ nhất thành phố tâm tư.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, từ một cán bộ tổ chức, cán bộ Ban Tuyên giáo, chuyên viên Văn phòng Quận ủy, đầu năm 2010, theo phân công của cấp trên, chị Phạm Thị Hồng Hạnh về nhận chức Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu. Đến tháng 2-2011, chị được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu đến bây giờ.
Nói về những ngày đầu mới về nhận công tác, ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, lại ở cương vị lãnh đạo, chị Hạnh cười bảo: “Thú thực, tôi cảm thấy rất lo lắng, khi tham gia cùng chị em với tư cách đại diện lãnh đạo, phải biết đánh giá, nhận định tình hình hoạt động và chỉ đạo, định hướng cơ sở; trong khi đội ngũ cán bộ Hội cơ sở là các cô, các chị dày dạn kinh nghiệm trong công tác Hội, tôi biết mình không thể lơ tơ mơ. Rồi từ chỗ làm việc ở một đơn vị hành chính, chuyển qua công tác Hội, thời gian làm việc tại cơ quan lại luôn kéo dài, đi sớm về trễ, thậm chí khi cần tiếp cận cơ sở phải đi vào buổi tối, khuya do thời gian vận động, tập hợp hội viên sinh hoạt thường ngoài giờ, hết giờ làm việc, buôn bán... Lo lắng nhiều, nhưng thú thực tôi cũng rất tự hào vì được cấp trên tín nhiệm - chị Hạnh khẳng định.
“Hoạt động trọng tâm của Hội là góp phần cải thiện cuộc sống của bộ phận lớn chị em phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật trên địa bàn quận. Nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chị em khi nhận được vốn, phương tiện sinh kế, nhà tình thương… mình cứ muốn được làm nhiều, nhiều hơn nữa” - Chủ tịch Hội LHPN Liên Chiểu trẻ tuổi hồ hởi nói về điều tâm huyết nhất với công việc hiện tại chị đang đảm đương; trong đó, sự động viên, giúp đỡ của cán bộ Hội đi trước, sự ủng hộ của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở giúp chị Hạnh nhận ra “cái tình chị em”, cái niềm vui mới ở công việc mà chị đang cần phải bồi đắp nhiều kinh nghiệm này.
Trước thềm Đại hội, chị Hạnh cho rằng, muốn làm được nhiều điều cho chị em thì trước hết, đội ngũ cán bộ, nhất là người lãnh đạo phải được nâng cao trình độ nhận thức, tâm huyết, kỹ năng… Cần đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý dành riêng cho cán bộ nữ. Một khi người phụ nữ tự tin thể hiện được khả năng của bản thân thì mới có thể phát huy được trình độ của mình một cách tốt nhất. Theo chị, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ không chỉ gói gọn trong 10 ngày như trước đây, không chỉ tập trung lý thuyết mà phải chú trọng thực hành, rèn luyện kỹ năng...
“Đội ngũ cán bộ trẻ sẽ đem lại những luồng gió mới cho phong trào Hội. Đó là điều chắc chắn. Tôi rất vui mừng vì đội ngũ cán bộ Hội các cấp hiện nay ngày càng trẻ, ngày càng năng động, nhạy bén và có tâm. Chúng ta cần tạo điều kiện để chị em ngày càng phát huy nhiều hơn nữa sức mạnh của mình. Đó là lý do để “nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Hội”, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ mới”, chị Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố nói.
Theo Hội LHPN thành phố, hiện nay, số cán bộ trẻ (không vượt quá 35 tuổi) các cấp (từ thành phố đến xã, phường) có 103/191 người (chiếm trên 50% tổng số cán bộ Hội). Trong đó, cán bộ chủ chốt cấp thành phố (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch) có 1 chị; cấp quận 5 chị. Cụ thể là các chị: Lê Thị Mỹ Hạnh (1977), Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Đà Nẵng; Phạm Thị Hồng Hạnh (1981), Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu; Dương Thị Mỹ Vinh (1983), Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu; Lê Thị Thu Hường (1977), Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ; Nguyễn Thị Lý (1979), Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ; Lê Thị Thu Huệ (1983), Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ. |
Bài và ảnh: THANH TÂN