“Không ít người đặt nghi vấn trên do họ còn nặng nề chuyện… đóng hội phí. Với tôi, cái “lợi” lớn nhất, đồng thời là động lực để mình suốt đời gắn bó với Hội Chữ thập đỏ là danh dự được làm công tác nhân đạo”, bác Nguyễn Nhân - 80 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà nói.
Vào Hội, cái lợi lớn nhất là được góp phần sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đem lại điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. TRONG ẢNH: Tình nguyện viên tặng quà cho bà con vùng lũ lụt.
|
Danh dự được làm nhân đạo
Bác Nguyễn Nhân đã có 36 năm giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Thọ Quang. Ngần ấy năm chứng kiến bao chuyển biến của đất nước cùng những đổi thay “một trời, một vực” trong hoạt động CTĐ địa phương, bác Nhân dù đã 80 tuổi vẫn giữ một tinh thần đầy nhiệt huyết với công tác Hội. Từ hồi cả phường chỉ có gần 400 hội viên, đến nay đã tăng lên gấp đôi; từ hồi mỗi năm cứu trợ vài lần với mấy chục kilôgam gạo, đến nay mỗi đợt thiên tai là vận động vài trăm triệu đồng, hoạt động nhân đạo được xã hội hóa, chính những dấu hiệu tích cực này đã tiếp cho người đàn ông ở tuổi thất thập cổ lai hy một sức mạnh bền bỉ.
Hoạt động CTĐ diễn ra quanh năm, suốt tháng, riêng trong thiên tai, hoạn nạn, sự xuất hiện của các tình nguyện viên áo đỏ, chữ thập trắng càng có ý nghĩa quan trọng. Trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy, bác Nhân đều xông pha “dũng mãnh” như một đầu tàu để anh em noi theo. “Ổng lớn tuổi rứa còn làm được, huống chi tụi mình”, ông Nhân nói về cái cách thuyết phục những đồng đội, đồng chí cùng đồng tâm hiệp lực trong công tác cứu trợ, nhân đạo. Một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm công tác CTĐ của bác đó là sau cơn bão kinh hoàng năm 2006 quét qua Đà Nẵng, Hội CTĐ phường đã vận động xây dựng cùng một lúc được 13 căn nhà tình thương.
Làm một việc có ích như đem lại một sự sẻ chia kịp thời, dựng cái nhà kiên cố che mưa che nắng cho bà con…với bác đều có giá trị như vừa tập xong bài dưỡng sinh, nhẹ nhàng, phấn chấn. Vì vậy, nếu ai đó còn trăn trở nên hay không nên vào Hội, thì với bác Nhân, cái “được”, cái “lợi” khi con người ta có điều kiện giúp người khó khăn, góp phần đem lại điều tốt lành hơn cho cuộc đời đã là quá rõ.
Việc nghĩa lan xa
Không chỉ có cán bộ lâu năm như bác Nhân, mà từ anh xe thồ đến bạn thanh niên, từ bác hưu trí đến cô giáo làng, những hội viên, tình nguyện viên CTĐ vẫn đang âm thầm truyền đi tinh thần nhân đạo cao cả.
Đó là anh Hòa, làm nghề xe ôm ở đầu cầu sông Hàn, đồng thời là “hiệp sĩ” đường phố khi kiêm vai trò sơ cứu, hỗ trợ vận chuyển người bị tai nạn giao thông trên đường đến bệnh viện kịp thời. Để rồi từ những điểm sơ cứu nhỏ lẻ, tiến tới, Hội sẽ thành lập 11 đội xe ôm an toàn, 150 điểm sơ cấp cứu tại cơ sở và Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu - phòng ngừa thảm họa thuộc Hội CTĐ thành phố Đà Nẵng nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích, tử vong cho nhân dân.
Đó còn là hàng ngàn lượt thanh niên đã hiến những giọt máu hồng, máu quý đem lại sự sống cho bao người. Hiện nay, chúng ta đã đáp ứng 99,5% nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng; tỷ lệ dân số thành phố hiến máu đạt 2,28% (toàn quốc 0,75%). Số lượng người hiến máu tình nguyện năm 2010 tăng hơn 5 lần so với 2003, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt 35% và không còn người cho máu chuyên nghiệp.
Vừa qua, Hội còn phát động phong trào tự nguyện đăng ký hiến giác mạc, hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi qua đời. Hoạt động này ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của... 2.283 tình nguyện viên. 5 Câu lạc bộ Những người đăng ký hiến giác mạc được thành lập và 5 người tự nguyện hiến xác, bộ phận cơ thể cũng đã được xướng tên.
Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn, song sự hỗ trợ của Hội CTĐ thành phố không chỉ thu hẹp trên địa bàn mà còn vươn xa đến các tỉnh, thành và nhiều quốc gia khác như tặng nhân dân Nhật Bản 5 tỷ đồng sau thảm họa kép động đất-sóng thần; ủng hộ nhân dân các nước hơn 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai...
Làm được điều gì đó có lợi cho cộng đồng để từ đó thấy mình hữu ích hơn là mục tiêu của những con người đam mê công tác nhân đạo.
Bài và ảnh: THU HOA