Tại Đà Nẵng hiện có 79.226 người cao tuổi (NCT), chiếm 8,93% dân số thành phố. So với 5 tỉnh Nam Trung bộ, tỷ lệ này chưa phải cao, song đã phản ánh thực trạng NCT đang là lực lượng không nhỏ, đòi hỏi các chính sách chăm sóc thích đáng và có chiến lược dài hơi hơn.
Xã hội cần chung tay để NCT được sống tốt hơn. |
Hưởng tuổi già không còn lạ
Từ hàng chục năm trước, nếu hình ảnh NCT ở phố thong dong tập dưỡng sinh trở thành điều gì đó hết sức bình thường, thì tại những xã thuần nông của huyện Hòa Vang, việc này còn quá xa lạ. Với các cụ quen chân lấm tay bùn, mỗi sáng mang cuốc ra đồng được coi như cách kết hợp tập thể dục. Nhưng giờ đây, nếu trở lại các vùng ven thành phố, sẽ thấy sự đổi khác rõ rệt trong sinh hoạt cũng như tư tưởng “hưởng” tuổi già của các cụ. Vừa qua, Hội NCT xã Hòa Tiến mở hội thao kéo dài đến… 7 ngày, thu hút 500 vận động viên. Phong trào tập dưỡng sinh, tham gia các sinh hoạt tập thể dành cho NCT được hưởng ứng nhiệt tình. Không còn khoảng cách giữa quê và phố nữa, NCT ở đâu cũng có cách giúp cho tuổi già của mình khỏe mạnh, ý nghĩa hơn.
Ra đời chưa tròn 2 tháng, CLB tư vấn và chăm sóc NCT Hòa Cường Nam được chọn làm điểm cho một mô hình sinh hoạt mới dành cho người già trên địa bàn thành phố. Còn non trẻ, nên các hoạt động chỉ mới tập trung ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tư vấn kiến thức phòng ngừa các bệnh thường gặp ở người già. Theo cô Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội NCT phường, kiêm Chủ nhiệm CLB, trong thời gian tới, CLB sẽ hình thành các bộ môn giải trí khác; đồng thời biến nơi đây trở thành địa điểm tin cậy để các cụ chia sẻ buồn vui và giáo dục con cái truyền thống hiếu thảo, quan tâm đến ông bà, cha mẹ. “Trung bình mỗi cụ có 3,5 bệnh trong người, nên họ rất cần một nơi sinh hoạt thực sự để giảm tâm lý nặng nề vì bệnh tật”, cô Lý nói.
Bên cạnh các loại hình hoạt động kể trên, có thể nói, một cái “được” trong công tác chăm sóc người già của Đà Nẵng, đó là hiện nay trên toàn địa bàn không còn NCT lang thang cơ nhỡ. Các cụ không có gia đình hoặc không người chăm sóc được đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng. Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố cũng đã đưa ra các quyết định trợ giúp người già, thể hiện tính “ưu việt” của Đà Nẵng so với quy định chung của Chính phủ. Theo đó, tất cả người già từ 90 tuổi trở lên đều được nhận tiền hỗ trợ, bất kể có thu nhập hay không.
Để người già được sống tốt hơn
Không phủ nhận nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện vật chất, tinh thần cho NCT, nhưng ông Nguyễn Văn Tánh, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Đà Nẵng vẫn cho rằng, so với tình hình “trượt giá” thì đời sống của người già còn nhiều khó khăn. Dù mức hỗ trợ trên đã cao hơn nhiều tỉnh, thành khác, song xét trong điều kiện NCT không có tài sản tích lũy, hay khả năng lao động kiếm sống đã giảm sút thì nguồn tiền trợ cấp chỉ đắp đổi một phần nhỏ trong các nhu cầu thiết yếu.
Bên cạnh đó, theo ông Tánh, luật pháp đã quy định quyền được ưu tiên khám chữa bệnh của NCT. Nhưng trên thực tế, vào bệnh viện hay các cơ sở y tế, sự ưu tiên này chưa được thể hiện rõ nét. Làm sao để người già nhận được sự chăm sóc đặc biệt, không bị “đối xử” như những bệnh nhân khác là điều họ luôn trăn trở.
Để việc chăm sóc NCT nói chung, người già cô đơn nói riêng tốt hơn, Hội đã kiến nghị UBND thành phố cho xây Viện dưỡng lão. Đồng thời, mong muốn của các cấp Hội là chế độ đãi ngộ cho cán bộ Hội NCT cấp xã, phường trở xuống sẽ được quan tâm thỏa đáng. Bởi nói gì thì nói, không ai có thể “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mãi.
Quyết định số 4270/QĐ-UBND ngày 20-5-2011 của UBND thành phố về mức tặng chúc thọ - Người 70, 75 tuổi: quà 100.000đ + tiền 100.000đ. 1- Trung tâm Bảo trợ xã hội: 52 cụ. |
Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND, ngày 18-2-2011của UBND thành phố: - NCT cô đơn không nơi nương tựa dưới 80 tuổi được trợ cấp 210.000 đ/người/tháng. |
Bài và ảnh: THU HOA