.

Xâm nhập thế giới xe ben - Kỳ cuối: Nỗi lòng các “bác tài”

.
Cũng là tài xế ô-tô, nhưng các bác tài XB lại chịu rất nhiều áp lực. Mỗi một giờ cầm vô-lăng trên đường là thực sự một giờ “chiến đấu” căng thẳng, mệt mỏi.

Mô tả ảnh.
Bị CSGT thổi phạt là nỗi lo thường trực của tài xế xe ben.
 
Tài xế-nghề khổ nhọc

“Không có nghề gì, chúng tôi mới học nghề lái xe. Nhưng để sống và tồn tại với nghề này không đơn giản chút nào. Trước khi ngồi lên cabin nổ máy, chúng tôi lo lắng đủ điều, nào là sợ TNGT, nào là sợ CSGT thổi phạt, bị chủ dọa đuổi việc…”, anh T.C.T. - một tài xế XB, thường trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tâm sự như thế với chúng tôi khi anh bị CSGT trạm Hòa Nhơn thổi phạt vì lỗi vỏ xe quá mòn ngày 26-8 vừa qua. Còn anh D.V. D., một tài xế XB hoạt động cho một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Cẩm Lệ đã 3 năm nay, kể về hành trình một ngày làm việc của mình: 3 giờ sáng, anh phải đến trụ sở đơn vị nhận  xe, 4 giờ sáng phải có chuyến xe đầu tiên mở hàng cho một ngày mới. Đây là thời điểm đáng lo nhất, vì cầm vô-lăng mà mắt cứ muốn nhắm, trong khi giờ này các phương tiện  lưu thông trên đường đều chạy rất nhanh do đường vắng. “Cứ có chuyến có tiền, nên cố mà mở mắt để chạy. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng đem đủ tiền về cho vợ con, vì gần như ngày nào cũng “ăn” biên bản của công an, nên thu nhập thực chất không cao như mọi người nghĩ” - anh D. phân trần. “Thế nhưng cũng phải ôm vô-lăng thôi, giờ lớn tuổi rồi không biết làm nghề khác” - anh D nói thêm.

 Để tìm hiểu kỹ hơn về tài xế XB, sau rất nhiều nỗ lực thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt trên cabin XB được vài chuyến. Quả thật “trăm diễn tả không bằng một lần ngồi bên vô-lăng XB”. Chúng tôi có mặt trên chiếc XB BKS 43C-001… do tài xế H.H.L, trú địa bàn quận Cẩm Lệ điều khiển từ mỏ đất Hòa Nhơn về khu dự án phường Hòa Xuân. Mặc dù mới 8 giờ sáng nhưng trong cabin nóng như thiêu. Trên đường đi, anh phóng bạt mạng, thỉnh thoảng còn kéo còi vượt qua các ô-tô cùng chiều cho dù khoảng cách chỉ tính bằng cen-ti-mét. Thấy chúng tôi có vẻ sợ hãi, anh trấn an: “Các anh đừng lo, tay lái tôi cũng “lụa” lắm! Có những lúc còn nguy hiểm hơn như thế”. Vừa nói xong, bỗng dưng anh đạp thắng gấp khiến chúng tôi ngã chúi về phía trước. Định thần lại thì hóa ra xe đã tấp vô lề, nhìn trước nhìn sau cả một dãy XB dài có đến vài chục chiếc. Thấy chúng tôi ngơ ngác, anh giải thích: “Công an đang bắn (bắn tốc độ-P.V) ở phía trước, núp thôi”. Sau gần 30 phút “núp”, đồng loạt hàng xe tải ầm ầm nổ máy phóng đi, thỉnh thoảng anh nhấp nháy đèn hỏi thăm đồng nghiệp xem có CSGT làm nhiệm vụ không. Cứ như thế, trong vòng một buổi sáng, tính ra xe anh vừa núp vừa... đánh võng cũng được 4 chuyến. “Vị chi là sáng nay được khoảng 140 nghìn đồng, lại không bị CSGT thổi phạt. May quá!”, anh cười, mặt nhễ nhại mồ hôi.

Lắm nỗi khổ!

“Không ai muốn để xảy ra TNGT. Bởi lẽ, khi xảy ra tai nạn, người tài xế phải chịu khổ trăm bề. Nào là tù tội, bồi thường. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải bán nhà vì đụng phải người trong lúc chạy xe”, anh C., trú quận Liên Chiểu, điều khiển xe ben BKS 43S-91… tâm sự với chúng tôi như vậy. Theo anh C., mấy năm trước, đồng nghiệp của anh cũng phải đi ở tù và bồi thường gần 100 triệu đồng cho nạn nhân. Vì không có tiền, họ phải bán nhà, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh túng thiếu. Biết vậy, nhưng mỗi khi lên xe, họ phải chạy. Chạy để kiếm sống.
 
Chạy vì sự thúc bách của chủ doanh nghiệp, của dự án. “Làm thuê khổ lắm! Phải biết nhịn nhục đủ bề”-anh B., trú Duy Xuyên, Quảng Nam điều khiển xe BKS 92C-002… nói. “Nếu chạy đúng tốc độ quy định trên đường, mỗi ngày chúng tôi chỉ chạy được 3 đến 4 chuyến đường xa, còn đường gần thì khoảng 10 chuyến. Thu nhập cũng được, nhưng luôn trong trạng thái áp lực nặng nề, vì vậy với cánh tài xế XB khó kiếm đâu ra người quá 50 tuổi”. “Cứ mỗi  buổi sáng leo lên cabin xe lại sống trong cảnh hồi hộp, lo âu và trạng thái đó kéo dài đến tận cuối ngày, khi mình bước vào nhà mới chắc là mình an toàn” - đó là tâm sự chung của cánh tài xế XB mà những ngày xâm nhập vào thế giới “hung thần” chúng tôi nghe nhiều nhất.

Thanh Sơn - Ngọc Phú
;
.
.
.
.
.