Ngày Quốc khánh không chỉ là ngày nghỉ ngơi, quây quần bên mâm cơm gia đình hay dạo chơi để tận hưởng những giây phút hạnh phúc, thanh bình mà còn là lúc suy ngẫm và trân trọng những giá trị của độc lập, tự do và thấy rõ hơn trách nhiệm với đất nước…
* Ông Huỳnh Tấn Đại (84 tuổi, tổ 8, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), cán bộ tiền khởi nghĩa: Qua gian khổ mới thấm thía hạnh phúc được độc lập
Tôi tham gia cách mạng năm 18 tuổi, ngày ấy tuổi thanh niên ai cũng hăng hái lên đường, không nề hà dù phải hy sinh cả tính mạng. Tôi chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Còn nhớ trước ngày 2-9-1945, tất cả các đội đánh chiêng, trống đều tập luyện rất hăng hái. Bọn cường hào ác bá ở hầu hết các xã đều rất sợ hãi và bị bắt ngay sau đó. Bọn Nhật dù rất căm nhưng cũng không dám làm gì. Ngày 2-9 lúc đó là ngày đáng nhớ nhất. Không khí mít-tinh trong toàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra khá rầm rộ.
Ai ai cũng vui vẻ phấn khởi, diện những bộ quần áo lành lặn nhất, mang theo cả giáo, mác, gậy gộc. Lúc đó, tôi là Tiểu đội trưởng tự vệ của xã Sung Tích. Ngay trong ngày hôm đó, người dân đã tự nguyện ủng hộ vàng cho tuần lễ vàng để gây quỹ kháng chiến. Tôi và bà xã lúc đó đã tình nguyện góp đôi bông tai vàng vừa tặng ngày cưới để gây quỹ. Cái náo nức của ngày đầu thành lập nước có lẽ theo tôi đến mãi bây giờ. Trải qua gian khổ mới thấm thía cái hạnh phúc của ngày hòa bình, được sống trong tự do, no ấm đủ đầy.
Ngày Quốc khánh trong tôi luôn có những kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ nhất là hội trại cách đây vài năm mà tôi được tham gia. Khi ấy tôi còn là cán bộ Đoàn phường Xuân Hà dẫn các em học sinh đi tham gia hội trại “Mừng đất nước nở hoa” nhân ngày Quốc khánh. Những trò chơi, bài học về lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà chúng tôi cảm nhận được qua hội thi hơn rất nhiều những bài giảng khô khan mà các em đã được học.
Sau này, với cương vị Bí thư Quận Đoàn, tôi luôn chú ý đến các hoạt động cho thanh-thiếu niên, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày thành lập nước. Ngày Quốc khánh năm nay, chúng tôi còn có một nhiệm vụ khác là đi gặp gỡ vận động thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, để các bạn trẻ thấy trách nhiệm đối với đất nước.
Trong ký ức bọn trẻ con chúng tôi thì ngày Quốc khánh là ngày vui nhất vì được ngắm cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, được vui chơi nhiều hơn. Còn bây giờ, với nhiệm vụ “canh cho dân ngủ, gác cho dân chơi”, ngày Quốc khánh lại là ngày bận rộn nhất khi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong không khí người người, nhà nhà vui tươi, hân hoan chào đón ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi cũng rất phấn khởi. Được sống trong hòa bình với lớp trẻ chúng tôi đã là một hạnh phúc.
Bởi vậy, càng phải biết ơn những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày độc lập như hôm nay. Là một người lính trong thời bình, tôi nghĩ mình càng phải cố gắng phấn đấu hơn nữa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chắc tay súng để bảo vệ sự bình yên cho quê hương.
Là một nhạc sĩ trưởng thành trong thời chiến tranh, hơn ai hết tôi hiểu giá trị của ngày Quốc khánh. Cứ đến ngày này, trong tôi lại khôn nguôi nỗi nhớ Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc, người đã đem lại độc lập tự do ngày hôm nay. Tôi đã sáng tác khá nhiều bài hát về Bác như: “Bài ca dâng Đảng”, “Tây Nguyên ơn Bác”, “Viếng Bác”… Trong đời tôi đã có một lần duy nhất được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm đơn vị.
Dù chỉ được ngắm Bác từ xa nhưng tôi vẫn nhớ cái dáng gầy và khuôn mặt hiền từ của Người. Khi còn kháng chiến, cứ đến ngày 2-9 là anh em trong đơn vị lại tổ chức kỷ niệm, treo băng-rôn, khẩu hiệu cũng rộn ràng. Tuy nhiên, theo lời dặn của Bác, chúng tôi chỉ tổ chức vui nho nhỏ, tiết kiệm, tránh lãng phí. Bây giờ, dịp kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức rôm rả hơn, đủ đầy hơn với cảm xúc về một đất nước thống nhất, độc lập, thanh bình và hạnh phúc.
Kim Ngân (ghi)