Mặc dù ra đời muộn nhưng ngành bảo hiểm (BH) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Hàng chục công ty BH trong và ngoài nước, với rất nhiều sản phẩm khác nhau, đang hoạt động rất sôi nổi, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nhân dân.
Bệnh nhân không có BHYT trả tiền viện phí tại Bệnh viện Hoàn Mỹ dù lượng người tham gia BHYT ở Đà Nẵng chiếm gần 80% dân số toàn thành. Ảnh: Triêu Nhan |
Để thể hiện tính nhân văn của công tác BH, ngoài các sản phẩm mang tính thương mại thì Nhà nước đã quy định một số loại bảo hiểm bắt buộc. Mức phí của các loại BH này do Bộ Tài chính ban hành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân buộc phải mua. Trong đó có một số loại BH chủ yếu như: BH trách nhiệm dân sự cho người và xe cơ giới, BHXH, BH cháy nổ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, BH trách nhiệm dân sự đối với chủ tàu đánh cá…
Việc quy định các loại BH bắt buộc này dựa trên tầm ảnh hưởng của nó, mỗi khi có tai nạn xảy ra đối với đời sống nhân dân và xã hội, nhằm giúp đỡ cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan có nguồn tài chính để trang trải một phần thiệt hại do tai nạn, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trong nhiều năm qua, hầu hết người dân đều hiểu được cái lợi và trách nhiệm khi mua BH bắt buộc này.
Song một thực tế đáng buồn là việc mua các loại BH bắt buộc trên của một số đơn vị và nhân dân không được thực hiện nghiêm, gây rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện Luật BH. Đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ về bất ổn xã hội, nếu có thiên tai, tai nạn xảy ra. Theo số liệu của Công ty Bảo Việt Đà Nẵng, có 90% chủ ô-tô và 5% chủ mô-tô mua BH dân sự cho người và xe, BH phòng cháy chữa cháy còn ít hơn nhiều. Đặc biệt, BH trách nhiệm dân sự đối với chủ tàu đánh cá thì hầu nhưng không mua, trong khi nếu tai nạn xảy ra, chủ tàu và doanh nghiệp không thể gượng dậy được. Thực tế có rất nhiều người, chủ cơ sở thuộc diện bắt buộc phải mua BH đã gian lận, chạy vạy, tìm cách mua BH khi tai nạn đã xảy ra nhằm được hưởng quyền lợi, cũng như có người khi đi viện mới đi mua BHYT. Điều này cho thấy, chủ cơ sở và các cá nhân này nắm rất chắc quyền lợi và nghĩa vụ phải mua các loại BH bắt buộc nhưng đã không mua.
Việc không mua các loại BH theo quy định, ngoài ý thức kém của các cá nhân, tổ chức ra, còn có một nguyên nhân khác là do sự không hợp tác, hoặc làm chưa hết trách nhiệm của các cơ quan theo quy định của Nghị định 103/NĐ-CP ngày 16-9-2008. Mặt khác, các công ty BH cũng chưa thực sự nỗ lực để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm (nhất là những sản phẩm mới) và đổi mới phương thức bán sản phẩm tiện lợi hơn cho người mua. Nhiều đại lý bán BH dân sự cho mô-tô và ô-tô đã không làm nữa vì hoa hồng thấp.
Việc mua BH, nhất là BH bắt buộc theo quy định là việc làm có ý nghĩa an sinh xã hội quan trọng, góp phần ổn định xã hội. Ngành BH, các cơ quan chức năng liên quan và mọi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của Luật BH, xây dựng quỹ BH các loại ngày càng vững mạnh.
Đức Thịnh