.

Bóng hồng trên Icom

.
“Em cầm máy nhé. Cho anh nghe giọng em lâu lâu một chút có được không? Hôm nay anh đánh được nhiều cá lắm. Cũng nhờ em...”. Những câu nói ấy tưởng như chỉ dành cho người yêu nhưng kỳ thực đó là những đoạn đối thoại ở ngoài khơi xa của ngư dân với người trực thông tin mà họ yêu mến...

Mô tả ảnh.
Chị Hà Thị Phượng vui, buồn cùng ngư dân bên máy Icom.
 
Vui, buồn cùng ngư dân

Công việc của chị Hà Thị Phượng (42 tuổi) - người trực thông tin của Đồn Biên phòng 248 - dường như bận rộn hơn khi mùa mưa bão về. Tình hình diễn biến thời tiết trên biển như áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, bão... được chị cập nhập thường xuyên để thông báo ngay cho ngư dân kịp đưa tàu thuyền về nơi trú an toàn. Gần chục năm gắn bó với chiếc máy Icom - một quãng thời gian không phải là dài so với một đời người, nhưng cũng đủ để chị thấm thía hết những buồn vui với nghề. Nếu ai nghĩ nghề trực thông tin hầu hết chỉ dành cho nam giới bởi tính chất vất vả, khô khan, không mấy thú vị thì có lẽ phải... suy nghĩ lại khi gặp Phượng. Với chất giọng miền Bắc ngọt ngào, đôi mắt thẳm sâu nổi bật trên làn da trắng, chị khiến người đối diện có ấn tượng ngay lần đầu gặp mặt. “Làm nghề này, lúc nào cũng phải biết kiềm chế cảm xúc của mình. Dù có lúc bực bội hay có chuyện buồn cũng phải luôn vui vẻ. Bởi mình là chỗ dựa, niềm tin của ngư dân đang đánh bắt ngoài biển xa” - chị Phượng bộc bạch.

Có những lúc tàu hỏng máy giữa biển, thuyền trưởng điện về liên lạc nhờ trợ giúp, chị lập tức báo cho Bộ Chỉ huy Biên phòng ứng cứu và trấn an ngư dân bình tĩnh và chờ đợi. Không ít người vì quá lo lắng đã nổi nóng nhưng chị vẫn nhỏ nhẹ, phân tích cho họ hiểu. Gần đây nhất là vụ tàu cá ĐNa 90039 do ông Nguyễn Văn Còn B (trú phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) làm thuyền trưởng bị nạn trên biển. Lúc 24 giờ ngày 20-8, chủ tàu điện về cho biết có thuyền viên bị ốm nặng, đề nghị ứng cứu, chị bèn xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. BCH Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 hướng dẫn cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên, đến ngày 21-8, do bệnh nặng ngư dân Lê Sơn đã tử vong. Cả tàu lúc đó gần như rối loạn, ông Còn B khóc trong Icom: “Anh ấy đã mất rồi!”.
 
Chị Phượng bàng hoàng, lặng cả người. Lúc trước khi tàu ra khơi, anh Sơn còn đến chào chị, nói chuyến này đi về có tiền sẽ mua cho con bộ quần áo mới. “Các anh cứ bình tĩnh, đừng buồn, có lẽ số phận anh ấy như thế rồi!” chị Phượng an ủi chủ tàu mà như an ủi chính mình. Sau đó, chị và anh em trong Đồn 248 cũng đã đến thăm gia đình và phúng điếu anh Sơn. Với chị Phượng và các chiến sĩ Đồn Biên phòng 248, ngư dân đã trở thành người bạn thân thiết tự lúc nào. Những lúc nhận được tin: “Alô!. Ngày nay tàu vào luồng, đánh bắt được nhiều cá lắm Phượng ơi!” là hôm ấy chị vui cả ngày như một đứa trẻ được quà.

Em hát cho anh nghe nhé!

Chỉ tính trong năm 2011, Đồn Biên phòng 248 đã liên lạc được 1.440 phiên, thông báo tình hình diễn biến thời tiết, hướng dẫn hàng trăm phương tiện tránh trú bão an toàn, huy động hàng chục phương tiện cứu kéo, lai dắt 15 trường hợp phương tiện hỏng máy, ngư dân chết đột tử, vớt người nước ngoài...
Có lúc nhiều cuộc điện thoại của ngư dân gọi về chỉ để hỏi: “Em ơi, anh quên mất món này nêm... gia vị thế nào, hay em nhắn giùm vợ anh gửi đồ ra giúp anh nhé”. Có lúc chỉ là những câu cợt đùa tếu táo: “Em nói giọng hay quá, hát cho anh nghe một bài nhé. Ngoài biển lạnh quá...”. Chị lại thành... “ca sĩ” biểu diễn chương trình “ca nhạc theo yêu cầu”, hát những bài hát mà các anh yêu thích: “Hôm chia tay chiều chủ nhật, anh bảo rằng tuần sau anh đến/Hái một nụ hoa xinh xinh màu tim tím, anh cài lên mái tóc thề. Rồi hẹn tuần sau, khi hoa mười giờ nở, anh sẽ đến thăm em/Em trông chờ từng phút, bao đêm rồi không ngủ/Mong đến ngày được gặp anh...” (Hoa Mười Giờ).
 
“Cũng may mình đã từng tham gia văn nghệ, thuộc nhiều bài hát nên các anh yêu cầu bài gì là mình đáp ứng ngay”, chị cười bảo. Nhiều ngư dân vì “nghiện” giọng nói, giọng hát của chị mà ngày nào, sau khi xong công việc, cứ 14 giờ là lại lên Icom chỉ để được nghe chị hát. Những hôm chị có việc nhà, không trực máy là hôm sau các anh lại hỏi tới tấp: “Em ốm à, sao không trực ở đài?”. Những niềm vui nho nhỏ ấy giúp chị quên đi những mệt nhọc sau giờ trực.
 
“Những lúc nghe giọng của cô ấy, mình thấy vui, đỡ nhớ nhà và yên tâm hơn giữa biển cả mênh mông”, ngư dân Hồ Văn Tình (phường Xuân Hà) chia sẻ sau một chuyến biển. Có người còn tìm tới tận đơn vị, chỉ để được gặp “cái cô có giọng dễ thương trực máy Icom ấy”. Hai con chăm ngoan và học giỏi cũng là niềm động viên lớn với chị để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại úy Bùi Anh Tú, Phó trưởng Đồn Biên phòng 248 cho biết: “Chị Phượng là một trong những người có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì công việc, được đồng nghiệp yêu mến”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.