Đó là câu hỏi luôn đặt ra, băn khoăn, day dứt với những người đã từng làm bạn với “cái chết trắng”. Con đường trở về với cộng đồng của họ không bằng phẳng, nhiều chông gai, có người đứng vững, nhưng không ít người quỵ ngã...
Mong được làm người bình thường
Để được nhận vào làm, dù công việc rất bình thường là thợ nề hay thợ sơn vôi..., anh N. (quận Hải Châu) cũng phải giấu đi quá khứ trước đây đã từng là người nghiện, dù bây giờ anh đã đoạn tuyệt với ma túy. Mọi cánh cửa dường như tối sầm lại với N. khi công việc của anh không ổn định, lúc có lúc không. Vợ anh chưa có việc làm, con còn nhỏ khiến anh càng túng quẫn hơn. “Chỉ đơn giản là xin làm thợ phụ cho công trình, lúc đầu người ta nhận, nhưng sau khi biết tôi trước đây là người nghiện thì họ cho nghỉ, có chỗ thì vẫn tiếp tục làm nhưng họ nhìn mình bằng con mắt khác, rồi lấy cớ để dây dưa trong việc trả lương, trừ tiền nọ tiền kia” - anh N. buồn bã nói. Trước đây, anh đã từng cai nghiện và học nghề tại Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06. Anh N. bộc bạch: “Mình đã rất cố gắng, đã cai nghiện thành công và chỉ mong có việc, làm một người bình thường, có một cuộc sống bình thường nhưng sao thấy khó quá”.
Còn với anh V. (quận Liên Chiểu) thì dù có trình độ khá, cầm bằng đi gõ cửa nhiều nơi nhưng khi biết anh đã từng là người nghiện thì các doanh nghiệp đều tìm cách từ chối. “Họ không tin vào khả năng của tôi, bảo đã nghiện rồi còn làm được gì. Họ sợ tôi tái nghiện thì ảnh hưởng đến công việc và uy tín của công ty dù tôi đã cam đoan sẽ không xảy ra chuyện đó”, anh V nói trong nước mắt. Điều đáng nói, hầu hết người sau cai đều có gia cảnh rất khó khăn. Tìm việc để duy trì cuộc sống là mong mỏi lớn nhất đối với họ.
Doanh nghiệp kêu... khó
Hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 1.200 người liên quan đến sử dụng ma túy, trong đó có hơn 100 học viên đang cai nghiện ở Trung tâm 05-06, hơn 600 người đang được quản lý sau cai, hơn 90 đối tượng đang được điều trị thay thế bằng Methadone… |
Lãnh đạo một doanh nghiệp điện tử (đề nghị không nêu tên) ở thành phố Đà Nẵng cho biết: “Những người sau cai phần lớn trình độ văn hóa, chuyên môn thấp. Sức khỏe của họ cũng kém hơn bình thường nên năng suất lao động không cao. Đào tạo cho họ thường lâu và khó hơn người khác, nên ít nơi nào muốn nhận. Một thực tế nữa là khi các đối tác biết lao động của mình có người nghiện thì hầu hết đều không có thiện cảm”. Bên cạnh đó, Chính phủ có Quyết định số 212/2006 về tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện. Trong đó nêu rõ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với mức lãi suất như cho vay hộ nghèo. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện...Tuy nhiên, do cơ chế chưa rõ ràng nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng khẳng định: “Tạo việc làm cho các đối tượng sau cai là việc rất khó. Tuy nhiên, khó cũng phải làm, bởi không có việc làm, người sau cai nghiện lại càng dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ty và bị kích động, rủ rê trở lại con đường cũ”. Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cần thành lập một cơ sở sản xuất dành riêng cho đối tượng sau cai và khuyến khích tiêu thụ hàng hóa do họ làm ra. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Phương Trà