.

Đào tạo nghề chưa gắn nhu cầu doanh nghiệp

Chiều 4-10, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, đến nay đã có trên 320 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN trên địa bàn thành phố với trên 63 nghìn lao động.
 
Đa số các dự án có quy mô đầu tư vừa và nhỏ, chỉ có 14 doanh nghiệp sử dụng trên 500 lao động. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chủ yếu hoạt động sản xuất hàng may mặc, điện tử, chế biến thủy, hải sản. Từ năm 2008 đến nay, Ban Quản lý đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN tư vấn việc làm cho hơn 12 nghìn lao động và giới thiệu việc làm cho hơn 8 nghìn lao động.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay đời sống công nhân tại các KCN còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của người lao động thấp, khoảng 1,5 triệu đến 1,7 triệu đồng/người/tháng. Việc đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề chưa gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Lao động trong các KCN phần lớn là lao động ngoại tỉnh, trong khi các KCN tại thành phố chưa có nhà ở cho công nhân, cơ sở nuôi dạy trẻ và các dịch vụ đi kèm. Hoạt động văn hóa ở các KCN còn thiếu nên người lao động ít quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí… Tại buổi làm việc, Ban Quản lý đề xuất thành phố hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động trong các KCN, có chính sách hỗ trợ cho các trung tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong lĩnh vực tuyển dụng và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tại các KCN…

GIA HUY
;
.
.
.
.
.