(ĐNĐT) - Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra không ít những vụ tai nạn thương tâm do một số sự cố điện gây ra. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lưới điện trên địa bàn thành phố tồn tại từ lâu nay.
9 tháng, hơn 40 vụ tai nạn do sự cố điện
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Công ty Điện lực Đà Nẵng), từ đầu năm đến hết tháng 9-2011, toàn thành phố đã xảy ra 42 sự cố về điện. Trong đó quận Hải Châu 9 sự cố; quận Liên Chiểu 6 sự cố; quận Sơn Trà 4 sự cố; quận Cẩm Lệ 12 sự cố; quận Thanh Khê 10 sự cố và Đội 110KV 1 sự cố.
Dây điện trung thế nằm trong cùng phát nổ khiến ông Thắng bị rơi từ tầng xuống đất. |
Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra sáng 23-10 tại số nhà 68A Nguyễn Chí Thanh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Trong lúc ông Nguyễn Văn Ba và ông Nguyễn Đức Thắng (46 tuổi, trú Tổ 54, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vừa lắp xong giàn giáo trước mặt tiền tầng 3 của ngôi nhà này và chuẩn bị đưa bạt ra che chắn để thi công thì có tiếng nổ lớn và mùi khét từ dây điện trước nhà, sau đó thì ông Thắng ngã xuống đất bất tỉnh.
Quan sát cho thấy, trước ngôi nhà này có trụ điện chằng chịt dây điện các loại, trong đó 3 dây của điện lực có vỏ màu đen, đường kính khoảng 3cm bắc ngang sát qua mặt tiền. Đoạn dây nổ gây tai nạn cho ông Thắng nằm gần ngôi nhà nhất.
Điều đáng nói là trước đó, cũng đường dây này bắc qua cửa nhà 70A bên cạnh ngôi nhà 68A cũng xảy ra một sự cố tương tự khiến anh Nguyễn Huy Dậu (41 tuổi, trú Tổ 21 phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) khi leo lên giàn giáo để sơn sửa nhà thì bị vướng vào đường dây điện cao thế, gây chạm và nổ điện, nên rơi từ giàn giáo xuống đất tử vong tại chỗ.
Trước đó, ngày 10-10, một dây điện bắc ngang qua đường Tôn Đức Thắng (Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tự nhiên rơi xuống đường và quấn vào ngang cổ xe máy của em Bùi Tuệ Trung (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) khiến em Trung bị thương nặng.
Thiếu tá Nguyễn Định, CSGT Công an quận Liên Chiểu - người trực tiếp phụ trách điều tra vụ việc - cho biết, qua xác minh đoạn dây này đã tồn tại trái tuyến hơn 11 năm nhưng không được di dời. Hôm xảy ra tai nạn, đoạn dây điện này đã bị cháy trước đó rồi mới rơi xuống căng ngang đường.
Theo ông Phạm Nam Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn, Công ty Điện lực Đà Nẵng, sự cố khiến ông Thắng bị rơi xuống đất là do bất cẩn nên khi bị ngã ông bấu víu vào dây điện gây ra sự số cháy nổ, còn khoảng cách 1m từ đường dây 22kV này với ngôi nhà là đúng theo quy định.
Còn sự cố gây tai nạn cho em Trung, theo ông Hải, là do người dân bắc dây sau công tơ nên hộ này phải chịu trách nhiệm. Cho tới trước khi xảy ra tai nạn này, Điện lực Liên Chiểu không nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến việc dây này bị đứt (!?). Còn người dân thì phản ảnh, khi đường dây này bị võng, họ đã báo và Điện lực Liên Chiểu có cử người xuống xem xong rồi… để đó.
Khó xử lý tình trạng “mạng nhện” trên cột điện
Cũng theo ông Hải, trong thời gian qua đã có 357 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện (HLBVATLĐ) cao áp, trong đó lỗi chủ yếu là do người dân khi xây dựng nhà, công trình… làm giàn giáo sát đường dây dẫn điện hoặc trong khi thi công để các vật dụng, vật liệu… rơi vào đường dây gây ra cháy nổ, chập điện.
Dây điện các loại giăng như "mạng nhện", thậm chí đi qua nhà dân như thế này có thể bắt gặp nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Liệu ai dám chắc sự nguy hiểm sẽ không xảy ra? |
Ngoài ra, sự cố điện cũng thường xảy ra tại các công trình xây dựng khi vấn đề tháo dỡ và di dời đường điện cũ tồn tại trước đó bị chồng chéo, thiếu phương án giải phóng mặt bằng đối với công trình điện. Điều này rất nguy hiểm khi các xe ben, xe cẩu… trong khi thi công, lưu thông húc vào trụ điện gây đổ gãy, hay xe này chạm vướng và kéo dứt dây…
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng vi phạm HLBVATLĐ hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng còn phải kể đến hiện tượng những khu nhà dân nằm xen lẫn với đường dây điện trung thế, đặc biệt cảnh từng bó dây giăng như “mạng nhện” đủ loại, lằng nhằng trên mỗi góc phố, lơ lửng ở mỗi khu nhà đang hàng ngày đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân bởi do quá tải, không đủ khoảng cách an toàn có thể gây nên cháy, chập bất cứ lúc nào.
Khi hỏi về việc các “mạng nhện” trên cột điện có thể xảy ra sự cố, thì ông Hải nói: “Các loại dây treo lên cột điện thì ngành điện chịu trách nhiệm. Nhưng các loại dây này thường là của một vài đơn vị thông tin họ kéo chui nên rất khó quản lý. Còn các dây kéo vào các khu dân cư là dây sau công tơ. Theo quy định thì ngành điện được phép tháo gỡ những đường dây vi phạm, nhưng cả mớ dây trên cột thì không phát hiện được dây nào cần tháo(!?). Mà ngay cả khi tháo xuống rồi để vướng cây, dây bị võng xuống đất có khi lại càng nguy hiểm hơn để trên cột (!?)”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, vấn đề giải quyết bảo đảm HLBVATLĐ hiện vẫn là “bài toán” khó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực và kiên quyết hơn nữa của cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương. Vì theo quy định, ngành điện chỉ thực hiện chức năng quản lý, vận hành lưới điện, tiến hành kiểm tra, phát hiện những điểm vi phạm để báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm làm cơ sở cho việc giải quyết, xử lý tiếp theo.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh