.

Đình công - giọt nước tràn ly - Kỳ 1: Đình công: Nhìn từ bữa cơm công nhân...

.
Trong căn phòng trọ tối tăm, ẩm thấp, ba nữ công nhân may của Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (The Blues) tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng đang nấu bữa cơm tối với chỉ 2 món: đậu luộc và rau...

Mô tả ảnh.
Đình công được coi là giải pháp giúp công nhân đòi quyền lợi. Trong ảnh: Hơn 500 công nhân may của Công ty TNHH ITG Phong Phú thuộc KCN Hòa Khánh đình công sáng 6-10.
 
Lương không đủ sống!

Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với trên 320 doanh nghiệp, cùng hơn 63.000 lao động. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, tại Đà Nẵng xảy ra 3 cuộc đình công, với sự tham gia của hơn 2.500 công nhân.
Hơn 1 tuần sau vụ đình công ngày 12-10 của hơn 1.000 công nhân may Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (The Blues) tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), chúng tôi trở lại dãy nhà trọ, nơi có nhiều công nhân của công ty này đang ở. Ba cô gái với nước da xanh xao, thân hình gầy gò đang ăn bữa cơm tối ngon lành với đậu luộc và rau. “Ăn vậy sao đủ chất hả em?” - Tôi hỏi.
 
Cô bạn tên T. thở dài: “Biết sao bây giờ chị, thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, tiền phòng mỗi đứa trả hết hơn 700 ngàn đồng, ăn sáng với ăn tối phải dè xẻn trong 1 triệu đồng, rồi còn tiền xăng xe và nhiều thứ khác nữa...”. Nghĩ đến tương lai, mắt T. bỗng xa xăm: “Không biết sau này có gia đình sẽ thế nào, chứ nhiều cặp vợ chồng công nhân còn chưa dám sinh em bé vì đời sống khó khăn quá”. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ba cô gái bỗng trở nên “cảnh giác” và từ chối trả lời câu hỏi. “Chị thông cảm cho bọn em vì nhiều người được cho là “quá khích” trong vụ đình công đã nghỉ việc rồi” - T. nói.

Theo phản ánh của nhiều công nhân tại buổi sáng đình công ngày 12-10, vấn đề bức xúc nhất vẫn là tiền công tính theo sản phẩm (6.500 đồng/sản phẩm) thấp, không bảo đảm đời sống cho công nhân, trong khi lương tối thiểu vùng đã tăng, nhưng cách tính theo sản phẩm không tăng. Trong buổi đối thoại sau đó giữa lãnh đạo Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam với công nhân, có mặt đại diện Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố, chính quyền địa phương..., người lao động đã yêu cầu công ty phải tách riêng từng khoản cho rõ ràng chứ không nên gói gọn một mức khoảng 2,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, bức xúc được nêu ra nữa là lâu nay công nhân đều làm 9,5 tiếng/ngày, dư 1,5 tiếng so với quy định, nhưng công ty “quên” thanh toán cho người lao động. Đại diện công ty đã ghi nhận những ý kiến trên và hứa sẽ khắc phục trong thời gian tới. Nhiều công nhân cho biết: “Thức ăn trưa quá tệ khiến bọn em ăn không nổi. Nhiều lúc muốn bỏ bữa, nhưng nếu không ăn thì không có sức làm việc, nên phải ráng nuốt”.

“Bệnh” lây truyền
 
Trước đó không bao lâu, sáng 6-10, hơn 550 công nhân thuộc bộ phận may của Công ty TNHH ITG Phong Phú (đóng tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cũng tổ chức đình công để đòi quyền lợi. Tại buổi đình công này, yêu sách của người lao động đưa ra cũng vẫn là những vấn đề quá quen như tiền lương, tiền thưởng... Một công nhân bộc bạch: “Bọn em đâu có muốn đình công làm gì, nhưng đời sống khó khăn, nhiều chế độ lại chưa được giải quyết rõ ràng, thỏa đáng”. Nhiều người e ngại rằng, nếu không có những giải pháp phù hợp, đình công sẽ trở thành tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến sản xuất, gây thêm căng thẳng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Công bằng mà nói, không phải yêu cầu nào của công nhân cũng hợp lý. “Trong quyết định của Công ty Phong Phú hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng/lao động nữ nhưng công nhân nam có con nhỏ cũng đòi được quyền lợi thì không được. Nhiều công nhân không chịu nghỉ phép và đòi thanh toán tiền bù vào thời gian không nghỉ cũng không đúng...” - Một cán bộ ngành LĐ-TB&XH cho biết. Một thực tế cho rằng, khi có đình công xảy ra, Công đoàn, Sở LĐ-TB&XH lập tức... nhảy vào cuộc, chưa cần biết sai đúng thế nào. Và khi các đơn vị này đến, tình hình mới được... xoa dịu.
 
Lập tức bàn đàm phán được thiết lập và doanh nghiệp dù ít dù nhiều cũng phải đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công nhân. Như vậy, vô hình trung, công nhân thấy đòi là được thì sẽ xem đây là phương pháp hữu hiệu để đấu tranh, tạo sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Lao động tiền lương thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, nếu không có cách giải quyết hiệu quả, đình công sẽ trở thành một loại “bệnh” của người lao động lây lan khá nhanh, tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến sản xuất và mối quan hệ lao động.

(Còn nữa)
 
Kỳ 2: Công đoàn ở đâu?
Đình công xảy ra như một giọt nước tràn ly khi người công nhân bất lực trong việc yêu cầu chế độ đãi ngộ cho mình. Vậy Công đoàn-chiếc cầu nối giữa chủ sử dụng và người lao động ở đâu? Liệu có giải pháp căn cơ nào để hạn chế đình công trong thời điểm nhạy cảm từ nay đến Tết?
Bài và ảnh: Phương Trà
   







;
.
.
.
.
.