.

Đưa đồng chí Phạm Hùng vào Nam

.
Cụ Lê Văn Trợ (ảnh) ở tổ 37, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), từng là nhân viên báo vụ của Đoàn tàu không số. Đã 90 tuổi nhưng cụ vẫn không quên bao kỷ niệm trên đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa.

Mô tả ảnh.
…Tôi làm nhiệm vụ trên 4 chuyến tàu chở vũ khí vào Nam và nhớ nhất là chuyến đi ngày 31-10-1964. Chuyến ấy, ngoài vũ khí, tàu còn chở đồng chí Phạm Hùng và gần 20 cán bộ vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cụ Trợ kể tiếp: Nhân viên báo vụ có riêng một phòng bên phải khoang máy. Những lần trước có một đồng chí cơ yếu cùng đi, nhưng lần đó tôi được giao cả nhiệm vụ cơ yếu, hễ nhận điện xong là tôi dịch luôn để trình cho thuyền trưởng hoặc chính trị viên. Máy vô tuyến trên tàu có công suất 50W, thao tác bằng cần ma-níp và sử dụng nguồn điện từ bình ắc-quy 24 vôn. Cứ đến giờ liên lạc là mở máy, dò đúng tần số và gõ theo bảng mã quy ước. Trên hành trình, những tình huống gấp thì thuyền trưởng xử lý, còn những tình huống không gấp thì Chi ủy (gồm đồng chí Châu (thuyền trưởng), đồng chí Tuấn (Chính trị viên) và tôi) hội ý để thống nhất cách xử lý. Vì vậy, những bức điện khẩn thì tôi trình thuyền trưởng, còn điện thường thì trình chính trị viên.

Từ Bãi Cháy, tàu đi ra hướng đông, chạy sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) để ra hải phận quốc tế, rồi hướng xuống phía nam. Hai hôm sau, chúng tôi nhận được điện của chỉ huy mà chúng tôi thường gọi là “nhà” với nội dung: “Có máy bay trinh sát. Chú ý ngụy trang, bình tĩnh xử lý”. Dịch điện xong, tôi chạy lên trao ngay cho thuyền trưởng. Đồng chí Châu cho kiểm tra lại ngụy trang và nhắc anh em thật bình tĩnh khi có máy bay địch. Lát sau, máy bay địch xuất hiện, lượn vòng mấy lượt, anh em thản nhiên làm các động tác như những ngư dân trên tàu cá, có người còn tươi cười giơ tay vẫy.

Đến ngày thứ 6, tàu chúng tôi bắt được đèn Côn Đảo. (Đèn Côn Đảo được các tàu không số lấy làm một điểm mốc trên hành trình chở vũ khí vào các tỉnh Nam Bộ). Chi ủy hội ý, quyết định 13 giờ cho tàu chuyển hướng vào bờ. Anh em chỉnh sửa lại ngụy trang, treo lên một số cá khô, mực khô, giả như tàu đánh cá ngoài khơi trở về. Con tàu nhắm hướng bến ở Bạc Liêu, chạy vào.

Đêm ấy, tàu vào đến ven bờ, nhưng không bắt được tín hiệu của “bến”. Thuyền trưởng cho tàu chạy từ từ trong khu vực có nhiều lưới đáy và mãi đến 2 giờ sáng vẫn không bắt được tín hiệu của “bến”. Chi ủy quyết định cho tàu trở ra hải phận quốc tế, vì nếu chậm trễ dễ bị địch phát hiện.

Sáng hôm sau, khi tàu đã ra vùng biển quốc tế, chúng tôi thấy trước mặt có một hòn đảo nhỏ. Thuyền trưởng cho tàu vào sát đảo, neo lại, nhằm để cho tàu nhòa lẫn với đảo khi địch quan sát từ xa. Kế đó, chúng tôi nhận được điện của “nhà” nhắc cảnh giới, đề phòng máy bay, tàu địch phát hiện và cho biết bến yên, lệnh cho tàu tối vào.

Tối đó, tàu vào an toàn và nhanh chóng bắt được tín hiệu của “bến”. Anh em bến đưa xuồng ra đón và dẫn đường cho tàu chạy vào một luồng lạch cây cối um tùm. Đến 4 giờ sáng, tàu dừng lại giữa khu rừng đước xanh tốt. Lập tức, hàng trăm chiến sĩ quân giải phóng khẩn trương bốc dỡ hàng, rồi chặt cây lá ngụy trang tàu. Đồng chí Phạm Hùng và số cán bộ vào Nam có người đến đón, còn anh em chúng tôi được đưa lên lán nghỉ ngơi. Hôm sau, “nhà” điện vào cho biết địch đang tăng cường tuần tiễu, lùng sục trên biển, nên tàu chưa thể trở ra được. Chúng tôi và anh em bến thường xuyên kiểm tra, bổ sung cây lá ngụy trang tàu, đề phòng máy bay địch phát hiện. Hằng ngày, ban chỉ huy bến bố trí nhiều tổ cảnh giới, đề phòng biệt kích, thám báo địch…  

Khoảng một tháng sau, chúng tôi nhận được điện của “nhà” gọi về. Anh em bến tổ chức chặt đước đem lên dằn tàu. Hai bên lưu luyến chia tay trong một đêm trời mưa lớn và biển động mạnh. Một chiếc xuồng nhỏ của bến chạy phía trước dẫn tàu ra đến cửa lạch, từ đó chúng tôi cắt ra hải phận quốc tế và trở về miền Bắc an toàn.

LÊ VĂN THƠM (ghi)
;
.
.
.
.
.