.

Hàng trăm doanh nghiệp nợ BHXH

.

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố, tính đến 31-8, Đà Nẵng có 718 đơn vị nợ BHXH với số tiền 42,1 tỷ đồng, trong đó có gần 400 đơn vị nợ BHXH từ 2 tháng trở lên. Riêng số đơn vị nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên là 15, với số tổng số nợ hơn 8 tỷ đồng.

 

Mô tả ảnh.
Khi đăng ký tìm việc làm, người lao động nên tìm hiểu kỹ về chế độ đãi ngộ của công ty tuyển dụng để không bị thiệt thòi về quyền lợi (ảnh minh họa).

 

Hiện tại, Đà Nẵng có 3.497 đơn vị với 163.302 người tham gia BHXH. Như vậy, so với hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, đây là con số còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, số đơn vị nợ BHXH khá lớn cho dù những năm qua, BHXH đã thực hiện nhiều biện pháp thu nợ, kể cả kiện ra tòa.

Thực tế cho thấy, khi DN không nộp BHXH cho người lao động (NLĐ) thì mọi quyền lợi được thụ hưởng của họ đều bị tước đoạt. Không chỉ tìm mọi cách để trốn đóng BHXH, hàng trăm doanh nghiệp còn chây ỳ với các khoản nợ BHXH của người lao động. Mọi chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, rủi ro, hưu trí của NLĐ đều không thể giải quyết dù trên thực tế, hằng tháng họ vẫn bị chủ DN trích lương để nộp BHXH.

Theo thống kê của BHXH thành phố, đến cuối năm 2010, có 448 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH với số tiền 27,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, số đơn vị nợ BHXH tăng thêm 270 doanh nghiệp và hơn 13 tỷ đồng trung bình mỗi năm. Trong số nợ BHXH bắt buộc, DN nợ dai dẳng và lâu nhất là Công ty Công trình 5, với thời gian nợ trên 85 tháng, nợ trên 1,9 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Vật liệu xây dựng 323, thời gian nợ là 2 năm, nợ 444,8 triệu đồng; Công ty CP Xây dựng 325 nợ trên 14 tháng, với số tiền 236,73 triệu đồng. Ngoài ra, còn có đến 4 DN nợ BHXH từ 1 đến 2 năm, 9 DN nợ dưới 1 năm, trong đó số tiền nợ thấp nhất là 14,2 triệu đồng, nợ cao nhất là 715,2 triệu đồng (Công ty TNHH LK World)... Đáng chú ý trong số những DN nợ BHXH trên có 3 DN bị BHXH thành phố khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện các quy định xử phạt vi phạm về BHXH chưa mạnh và chưa triển khai thống nhất giữa các ngành, cơ quan có thẩm quyền xử phạt, nên nợ tiếp tục kéo theo nợ là điều không tránh khỏi. Phó Giám đốc BHXH thành phố Lê Anh Nhân cho biết: Do các chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều DN chưa sợ. Với mức phạt tối đa 30 triệu đồng như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, do áp dụng mức lãi suất phạt nộp chậm BHXH là 10,5%/năm, chỉ bằng một nửa so với lãi suất ngân hàng thì các doanh nghiệp lớn có mức nợ BHXH cả tỷ đồng sẵn sàng chấp nhận bị phạt để khất nợ BHXH. Nên nâng mức phạt lên 5-10% tổng số tiền BHXH bị chiếm dụng để DN lo nộp. Khó khăn hiện nay của cơ quan BHXH là chỉ có chức năng thực hiện, còn việc kiểm tra xem doanh nghiệp đã thực hiện hết các chế độ cho người lao động chưa thì lại thuộc cơ quan khác.

Bên cạnh tình trạng nợ bảo hiểm, né tránh đóng BHXH của đơn vị, thì việc nhiều NLĐ thờ ơ với quyền lợi của mình, thỏa thuận trái luật với người sử dụng lao động để không tham gia BHXH. Hậu quả là khi ốm đau, tai nạn lao động, họ không được trợ cấp từ BHXH, nên phải đối diện với nguy cơ đói nghèo, trở thành gánh nặng cho xã hội. Trên thực tế, một số công ty sử dụng nhiều lao động nhưng chỉ tham gia BHXH cho một số ít người để né sự kiểm tra. Đồng thời, DN tăng các khoản chi trả khác ngoài lương để giảm chi phí đóng BHXH hoặc sử dụng hình thức đóng BHXH cho NLĐ với mức lương bằng lương tối thiểu hoặc thấp hơn mức lương thực tế mà họ trả cho NLĐ.

Với thực trạng trên, cơ quan BHXH thành phố trở thành chủ nợ, còn DN là những “con nợ” khó đòi. Khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như bảo hiểm y tế, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định. Cuối cùng, chỉ có NLĐ chịu thiệt thòi.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.