.

Hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh

.
Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là bé trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong tỷ lệ 103-107 bé trai/100 bé gái. Duy trì chỉ số này trong giới hạn trên sẽ bảo đảm sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương.
 
Mô tả ảnh.
Tổ chức truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh các trường THPT.
Mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Á như Azecbaizan, Acmênia... Từ cuối những năm 70, khi xuất hiện máy siêu âm, kỹ thuật chọc ối, xét nghiệm máu, gen... đã giúp cho các cặp vợ chồng biết được giới tính thai nhi. Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115. Tính đến năm 2005 đã có 12 nước và vùng lãnh thổ xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2006 đã có biểu hiện tăng, đến năm 2009 đã đạt mức 110,6 - tương đương mức năm 1990 của Trung Quốc. Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là tình trạng phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Bà Nobuko Horibe, Giám đốc VP UNFPA khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra những cảnh báo rằng, toàn châu Á đang “thiếu hụt” tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học.
 
Cũng theo dự báo của UNFPA, nếu tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2005, vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2030 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi 10%. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Dù làm tốt can thiệp để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì con số đó cũng còn tới 2,3 triệu.

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh là do phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân; do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động của con trai, trụ cột gia đình; do chính sách đối với nữ giới chưa thỏa đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ. Mặt khác, nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai...

Trong những năm gần đây, công tác DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao mức sống người dân, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ của thành phố cũng đang phải đối mặt với các nguy cơ, thách thức, đó là: Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên một số nơi có chiều hướng gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động. Theo số liệu báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, 6 tháng đầu năm toàn thành phố có tỷ lệ 115,4 bé trai/100 bé gái (trong đó quận Thanh Khê 146,9/100, quận Sơn Trà 112/100, huyện Hòa Vang 111,6/100).

Nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền-giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường. Chú trọng giáo dục về bình đẳng giới cho thanh niên và các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn. Đồng thời, đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 300 cán bộ trực tiếp tác động đến nhận thức về giới tính trong xã hội.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động đến cấu trúc dân số, dẫn đến hậu quả có quá nhiều nam giới trong xã hội. Các hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm hơn; nhu cầu mua bán tình dục cũng có thể ngày càng tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn do sự mất cân bằng này. Ngoài công tác vận động, cần có những chế tài để hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh là: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

MINH PHÚC
;
.
.
.
.
.