.

Khai thác đất đồi tại khu vực đèo Đại La: Dân “gồng mình” hứng chịu

.
(ĐNĐT) - Ảnh hưởng của những trận mưa lớn kéo dài cộng với việc khai thác đất thiếu các biện pháp đảm bảo đã đẩy hàng chục hộ dân sống ở khu vực đèo Đại La có nguy cơ mất đất sản xuất, mất nhà và đe dọa đến tính mạng của người dân.

Mô tả ảnh.
Đất núi sạt lở phủ kín gần 200 mét đường Hoàng Văn Thái (khu vực gần đèo Đại La)
 
Khu vực sát đèo Đại La là địa bàn giáp ranh giưa hai xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), từ khi có doanh nghiệp vào khai thác đất đồi, đã biến nơi đây thành một công trường ngổn ngang đất và những quả đồi cao chót vót đã bị băm lổm cổm.
 
Bác Lê Trung, Tổ 1, phường Hòa Khánh Nam bức xúc: Vào mùa nắng, khu vực đèo Đại La ngập chìm trong bụi đất, mỗi lần xe chở đất chạy qua đây, nhà nào nhà nấy đều phải đóng kín cửa. Mấy hôm trước, trời mưa liên tục, hàng trăm khối đất đang khai thác dang dở trên đèo ập xuống lấp kín cả một đoạn đường dài, diện tích hoa màu của người dân cũng bị lấp luôn. “Nhà trước xây cao nên bùn chưa “tấn công” được, chứ dãy nhà bếp, khu vườn và giếng nước dùng để sinh hoạt, bùn đất đỏ ngàu đã tràn ngập rồi. Bây chừ lấy đâu ra nước mà xài nữa?”, bác Trung nói. Còn anh Nguyễn Tuấn, một người dân thường đi lại qua tuyến đường này cho biết, đường Hoàng Văn Thái (khu vực gần đèo Đại La) được thảm đá ngày nào giờ đây đã bị bùn đất lấp sâu tới vài chục cm, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Mô tả ảnh.
Đất sạt lở lấp ruộng của nhà dân.
 
Theo quan sát của chúng tôi, hai bên đèo, đất từ các điểm khai thác phía trên có nguy cơ sẽ tiếp tục lở xuống. Phía thôn Đại La (xã Hòa Sơn), hàng trăm khối đất đã lấp tràn cả tuyến đường dẫn vào thôn và lấp gần một nửa diện tích hồ dưới chân đèo. Chỉ vào bức tường trong nhà, bà Hồ Thị Hiệp, tổ 1 phường Hòa Khánh Nam cho biết: “Mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã làm đất ở trên đèo cứ thế tràn vào nhà dân. Riêng nhà tôi, đất đã phủ kín 3 gian. Do đất càng ngày lấn sâu vào nhà nên cả gia đình phải thức trắng đêm để dọn vệ sinh. Cũng theo bà Hiệp, lúc trước chưa có đơn vị nào khai thác đất tại đây nên đâu có chuyện này xảy ra. Bây chừ đất ập đến nhà, làm cho hàng tấn ni-lông vừa mới rửa sạch, chuẩn bị xuất kho đã bị bùn đất làm dơ bẩn. Hàng bán không được, mua về thì không có chỗ để. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mỗi nghề này”.

Trước những bức xúc, người dân tổ 1, phường Hòa Khánh Nam đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Sau đó, UBND phường Hòa Khánh Nam yêu cầu Công ty TNHH Phú Đạt (đơn vị khai thác đất tại khu vực đèo Đại La) đưa phương tiện đến dọn bùn đất cho những hộ dân bị đất “tấn công” vào nhà. Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 5-10, hai bên đường Hòang Văn Thái (khu vực gần đèo Đại La) đất vẫn chất thành đống, gặp mưa to đất lại trôi ra đường và tràn vào nhà người dân.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã yêu cầu phía công ty Phú Đạt phải sớm khắc phục nạo vét đất tràn vào nhà dân, lòng lề đường và khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở mới tại các đồi do công ty khai thác. Ngoài ra, Công ty Phú Đạt cũng đã cam kết đến ngày 8-10 sẽ chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại ban đầu cho những hộ dân bị ảnh hưởng do đất sạt lở làm hư hỏng hoa màu, cây cối và hàng hóa…cho người dân.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.