.

Khổ cho vùng trũng

.

Nước mưa, nước thải, nước đọng… là những từ ngữ mà người dân ở những vùng ngập nước ngao ngán thốt ra mỗi khi mưa đến. Không có điều kiện đi nơi khác, nhiều gia đình buộc phải sống chung với ngập lụt với bao nỗi lo toan.

Mô tả ảnh.
Sau mỗi trận mưa, nhiều khu dân cư trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) bị ngập nặng.

 

Mưa xuống là chạy

Kể từ ngày Công ty Trung Nam triển khai xây dựng Khu đô thị Golden Hills, hầu hết các diện tích ao hồ, ruộng lúa của người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bị san lấp. Theo đó, cứ mỗi một trận mưa to đổ xuống là y như rằng ngập nặng lại diễn ra tại các khu dân cư. Đợt mưa lớn từ giữa tháng 10 vừa qua khiến cho hàng trăm hộ dân phải chạy tứ tán khắp nơi. Nhiều người nói vui: “Dân ở đây chạy rất nhanh, bởi khi mưa xuống là đồ đạc trong nhà phải di chuyển, chuyển xong là lo chạy… thoát thân. Ai có bà con nhà cửa cao ráo thì qua trú nhờ, không có thì theo chính quyền địa phương đến các nhà cộng đồng sống tạm, chờ nước rút lại quay về”.

Cùng cảnh ngộ sống trong “ao nước” nhiều năm là khu dân cư các tổ 10, 11 phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Nhiều bà con không còn giữ được vẻ bình tĩnh khi nhắc tới cảnh ngập lụt. “Gia đình tôi sống gần ba chục năm rồi, nhưng chỉ vài năm gần đây khi dự án của Công ty Tân Cường Thành triển khai, bỗng chốc biến các hộ dân bị cô lập trong vùng nước trũng. Đỉa bu riết, rắn nước cũng lượn lờ khiến mấy đứa nhỏ đâu dám đi học. Từ lớn tới nhỏ, già trẻ ai cũng bị ghẻ, nước ăn hết chân tay, giờ chỉ mong giải tỏa được mà đi chứ không thể ở mãi trong cảnh mưa tới là chạy được”, ông Dần (65 tuổi, trú tổ 11), than thở.

Hơn 40 hộ dân thuộc tổ 14, phường Hòa Minh, (quận Liên Chiểu) bị ngập nặng và nước mưa tù đọng kéo dài đến nay vẫn còn dấu vết. Nguyên nhân là hai dự án Bệnh viện Ung thư và Khu tái định cư Tây Bắc 7 đang xây dựng cao hơn nhà dân 2,5m, cống thoát nước trên đường Phùng Hưng cũng cao hơn nền nhà dân, nên mỗi lần mưa lớn, toàn bộ nước thải hôi thối và rác rưởi lại chảy vào nhà dân. Nhiều người buộc phải sử dụng ghe đưa con cái đi học, đi làm.

Thắc thỏm chờ…

Theo chính quyền xã Hòa Liên, nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập lụt vừa qua là do việc xây dựng các khu đô thị, khu du lịch sinh thái trên địa bàn kéo theo nhiều diện tích ao hồ, đồng ruộng bị bồi lấp, hệ thống thoát nước chưa được đấu nối đồng bộ. Nhiều công trình đang thi công mà hệ thống thoát nước không hoàn chỉnh dẫn đến mỗi khi có mưa lớn gây khó khăn cho đời sống người dân. Nhiều ý kiến bức xúc của dân được nêu ra trong các cuộc họp của chính quyền địa phương để tìm hướng khắc phục.

Tổ dân phố 54, 55 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) với 30 hộ dân cũng thường xuyên bị ngập nặng. Theo phản ánh của người dân, đơn vị thi công công trình Kho thiết bị phụ tùng An Hải Bắc đã chặn lấp cống thoát nước nên nước mưa tràn vào nhà dân. Lãnh đạo UBND phường cho hay, công trình này của Ban Quản lý Bạch Đằng Đông khi san lấp mặt bằng đã lấp hết hệ thống thoát nước cũ, trong khi khớp nối cống mới không đồng bộ là nguyên nhân gây ra tắc nước.

Một số điểm khu dân cư phường Thuận Phước (quận Hải Châu), người dân phải hứng chịu cảnh hôi thối do rác thải theo nước mưa ứ đọng gây ô nhiễm. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiến hành thi công trạm bơm chống ngập ở cuối tuyến đường Hàn Mặc Tử. Do vậy, người dân khu vực chắc chắn sẽ còn phải khắc phục, chịu khó chờ đến hết mùa mưa này.

Ở khu vực tổ 14 phường Hòa Minh, người dân đã kiến nghị lên UBND quận Liên Chiểu giải quyết chỗ ở vì không thể sống chung với ngập úng. Tuy nhiên, việc thực hiện di dời, giải tỏa còn gặp vướng mắc bởi giữa người dân và Ban giải tỏa đền bù chưa thống nhất được giá đền bù, nên vẫn phải chờ.

Sau mỗi đợt ngập lụt, các ban, ngành, địa phương lại tập trung giúp nhân dân khơi thông cống rãnh, lắp đặt thêm cống thoát nước, song đó mới chỉ là những biện pháp tạm thời, chứ chưa giải quyết rốt ráo những yêu cầu bức thiết. Cho nên, mỗi cơn mưa đến vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người dân các khu vực nói trên.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.