.
KỶ NIỆM 50 NĂM ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23-10-1961 - 23-10-2011)

Người lính đoàn tàu không số hôm nay

.
Sinh ra trong gia đình nhà nông đông con ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, gần 10 tuổi, cậu con trai cả Hồ Thăng Nhuận phải đi ở đợ, làm thuê để kiếm sống...  Và bước ngoặt thực sự trong cuộc đời ông là khi ông tham gia cách mạng và gắn liền với Đoàn tàu không số anh hùng những năm 60, 70 của thế kỷ trước…

Mô tả ảnh.
Ông Hồ Thăng Nhuận và ký ức về chiếc tàu không số vận chuyển vũ khí mà ông tham gia từ năm 1961 đến 1967. Ảnh: V.DŨNG
 
Chuyến xuất kích đầu tiên

Năm nay đã 86 tuổi, nhưng ký ức của cựu thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận (hiện sống tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn nhớ những hải trình trên biển. Ông còn đủ minh mẫn để có thể kể tên từng đồng đội tham gia chiến đấu với mình 50 năm trước và những giờ phút không quên trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông.

Hồ Thăng Nhuận bắt đầu tham gia công tác cách mạng từ việc ông làm du kích, sau đó được giao nhiệm vụ chở cán bộ, chiến sĩ từ Quảng Đà theo đường biển ra phía Cửa Tùng (Quảng Trị). Những tháng đầu năm 1955, ông đã thực hiện 4 chuyến đi biển trót lọt. Nhưng đến sáng 6-5-1955, cả đoàn bất ngờ bị địch tập kích. Ông Nhuận bị địch bắt giam,  nhưng ông đã nhanh trí đánh lạc hướng kẻ địch để trốn thoát. Sau đó ông được điều động ra Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ học tập, đào tạo lính hải quân. Năm 1961, ông được dự lớp đào tạo, sau đó làm thủy thủ trưởng tại Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân).

Ông kể, chuyến vượt biển đầu tiên ông tham gia đoàn tàu không số vào ngày 14-4-1963. Chuyến đi ấy do ông Vũ Tấn Ích (còn sống tại Đà Nẵng) làm thuyền trưởng, gồm 14 thành viên, ông là thủy thủ trưởng. Tàu có nhiệm vụ chở 57 tấn vũ khí vào bến Bạc Liêu. Nhờ linh hoạt xử lý các tình huống khi địch tuần tiễu bằng máy bay để kiểm tra, sau một tuần, tàu đã vào đến mũi Hòn Khoai. Nhưng tàu bị mắc cạn trong lớp bùn dày đặc. Sợ bị địch phát hiện, ông Nhuận cùng đồng đội “vật lộn” để moi lớp bùn non ra khỏi chân vịt. Khi trời rạng sáng, tàu còn cách bờ 5 - 6km. Rất may, bộ đội và nhân dân địa phương đã huy động nhiều thuyền nhỏ tiếp cận tàu và chuyển tất cả 57 tấn vũ khí vào đất liền an toàn. “Ai cũng biết ra đi làm nhiệm vụ sẽ có nhiều gian nan thử thách, nguy hiểm rình rập, nên lần nào lên đường làm nhiệm vụ là cán bộ, chiến sĩ đều làm lễ truy điệu sống. Với tôi, đó là cảm xúc khó tả. Lần đầu ai cũng hồi hộp, nhưng anh em ai cũng tin tưởng hàng, vũ khí sẽ đến được chiến trường kịp thời”, ông bộc bạch.

Chuyến đi đầu tiên trót lọt, anh em trong đoàn ai cũng tin tưởng, khí thế dâng trào. Riêng ông Nhuận với kinh nghiệm dày dạn và quyết đoán nên được đề bạt làm thuyền phó.  Ông đã cùng tham gia Đoàn tàu với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh 3 lần vận chuyển vũ khí vào Nam. Tham gia những chuyến đi ấy, ngoài kinh nghiệm còn có sự may mắn. Các chiến sĩ phải chuẩn bị hàng loạt phương án như: Giả tàu ngư dân đánh cá, tráo biển số thành tàu buôn để đánh lạc hướng địch. Gặp trường hợp cấp bách phải hủy tàu để phi tang vật chứng trước kẻ thù. Ông cùng đồng đội đã bảo vệ an toàn hàng trăm tấn vũ khí đưa vào chiến trường miền Nam phục vụ công tác chiến đấu khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh.

Chuyện tình với người con gái Thái Bình

Sau 3 chuyến tàu không số, ông Nhuận nhận nhiệm vụ về vùng Thái Thượng huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình rà phá bom mìn, ngư lôi. Tại đây, trái tim chàng thủy thủ  quê Đà Nẵng bị chinh phục bởi nữ Xã đội phó Nguyễn Thị Diễn nổi tiếng xinh đẹp, can trường; hai người xây dựng hạnh phúc gia đình.

 Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, năm 1992 (70 tuổi) ông đã mạnh dạn nhận 20ha đất rừng trên núi Sơn Trà để trồng rừng. Đồng thời ông tiếp tục vận động thêm các Cựu chiến binh ở địa phương cùng tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế…

Nói về cha mình, Thiếu tá Hồ Thăng Long, con trai ông Nhuận tâm sự: Cha tôi cùng với những người lính biển can trường đã làm nên con đường huyền thoại ấy - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Chính bản chất ngời sáng của người lính Hải quân năm xưa là tấm gương để tôi luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tiếp lửa truyền thống quý báu của gia đình mình.

Với những đóng góp của mình, năm 2003, ông Hồ Thăng Nhuận được thành phố Đà Nẵng bầu chọn ra Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị điển hình tiên tiến “Cựu chiến binh xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” toàn quốc. Nay ở tuổi 86, ông Nhuận đã giao đất, giao rừng cho thành phố, nhưng ông vẫn tham gia công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi địa phương.

Việt Dũng
;
.
.
.
.
.