Toàn cảnh phiên họp thứ 3 UBTV Quốc hội
|
Lương, thưởng là căn nguyên của đình công
Theo đó, tiền lương không hợp lý chính là cội nguồn mọi xung đột trong quan hệ lao động. Thậm chí, theo bàTrương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, lương thấp và điều kiện lao động không đảm bảo thì đình công là đương nhiên.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, nguyên nhân xảy ra đình công trong thời gian qua là do tiền lương, thu nhập của người lao động thấp, không đủ trang trải các nhu cầu cơ bản (đặc biệt là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao những năm gần đây). Trong đó, tới 80% yêu sách đình công của người lao động xuất phát từ các vấn đề liên quan đến tiền lương, thưởng và tăng mức ăn giữa ca.
Phía Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đồng ý cho rằng, tiền lương là vấn đề cơ bản nhất, cần được chú trọng trong dự án Bộ luật Lao động. Đây chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các bên và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình công diễn ra phức tạp hiện nay.
Tỏ ra khá bức xúc, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đưa ra đánh giá thẳng thắn trước UBTV, rằng "lương thấp, điều kiện lao động không đảm bảo, không đình công mới là lạ!". Theo đó, mức lương mà người lao động thực nhận hiện nay ở các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu sống tối thiểu. Do vậy, Ủy ban này nhấn mạnh, khi sửa đổi, vấn đề tiền lương tối thiểu Bộ luật đưa ra phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương.
Về phía Ủy ban Quốc phòng - an ninh, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cũng đánh giá vấn đề tiền lương, tiền công phải là vấn đề lớn nhất trong dự thảo Bộ luật, từ đó mới thỏa mãn được mong mỏi có một chế độ tiền công tiền lương hợp lý. Ông cảnh báo, nếu không giải quyết căn cơ thì tất cả những bức xúc và các vấn đề đình công, bãi công, lãn công sẽ còn tiếp tục.
Lương, thưởng "cao bất thường" tại một số doanh nghiệp Nhà nước
Chủ nhiệm Khoa cũng đề cập đến tình trạng lương thưởng "cao bất hợp lý" tại những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước kinh doanh không hiệu quả, thậm chí có đơn vị còn đề xuất thưởng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế, nước ta chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu về việc trả lương trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước chi phối. Điều này dẫn đến tình trạng, mức lương đối với một số nhân sự cao cấp của doanh nghiệp nhà nước quá cao, trong khi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thấp, gây bức xúc cho dư luận. Đây không phải là câu chuyện mới, vốn đã có khá nhiều "tiền lệ" như Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Công ty cổ phần hàng không Jetstar, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin...
Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư lại lợi dụng lao động giá rẻ tối đa để trục lợi cho mình, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận công ty.
Lâu nay điều này còn diễn ra là bởi, ở nước ta, quy định về tiền lương tối thiểu, nguyên tắc xây dựng định mức, thang lương, bảng lương vẫn còn chưa đạt được tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Việt Nam được Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là nước duy nhất trên thế giới còn xác định mức lương tối thiểu theo thành phần sở hữu, do đó dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa người lao động cùng làm một công việc nhưng mức lương lại khác nhau do không cùng loại hình doanh nghiệp.
Như vậy, để khắc phục, Chính phủ sẽ phải sửa đổi cơ bản hệ thống thang bảng lương của doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cũng có đề xuất cho rằng, Nhà nước nên giao cho doanh nghiệp điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng trong doanh nghiệp căn cứ mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và sau khi đã tham khảo ý kiến công đoàn cơ sở, không phải chờ quyết định Chính phủ.
Dự thảo Bộ Luật cũng cần giải quyết được những điểm chưa thống nhất về tiền lương để đóng BHXH, tiền lương để quyết toán với cơ quan thuế và tiền lương thực nhận của người lao động.
Thực tế cho thấy, trong mỗi doanh nghiệp đang tồn tại 3 loại lương: một chỉ để tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách, một để quyết toán thuế và một để chi trả thực tế cho người lao động hàng tháng. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chính sách lương đối với doanh nghiệp.