.

“Mình muốn làm một điều gì đó...”

.
Đó là những lời bộc bạch của bạn Bùi Thị Bích Thủy (23 tuổi, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (TP. Đà Nẵng) trong bài thi viết về “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là một trong 20 bài được chọn từ hơn 89 ngàn bài viết của Đà Nẵng tham gia dự thi cấp quốc gia.

Mô tả ảnh.
Bùi Thị Bích Thủy với những dòng cảm nhận đầy tự hào về chiến công của các chiến sĩ tàu không số. Ảnh: Phương Trà
Khâm phục và tự hào

Chúng tôi gặp cô gái nhỏ nhắn, mảnh khảnh Bùi Thị Bích Thủy giữa giờ vào lớp, cô tỏ ra ngạc nhiên khi biết bài của mình được chọn. Thủy bảo, em mê môn lịch sử từ nhỏ, giờ đã hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo dạy sử-địa của trường Chu Văn An. “Khi nghe phát động cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại  đường Hồ Chí Minh trên biển” em tham gia liền, bởi từ trước đến giờ em đã nghe và biết về con đường với những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhưng chưa hiểu nhiều”, Thủy bộc bạch. Vậy là, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, Thủy tìm trong tài liệu, sách vở, thậm chí tra cả trên mạng Internet những gì liên quan đến Đoàn tàu không số và những chiến công, những hy sinh thầm lặng, những tổn thất, mất mát của các chiến sĩ trên đoàn tàu đó. “Em đọc đến tận khuya, quên đi cảm giác buồn ngủ.
 
Chi tiết mỗi người lính tàu Không số khi lên đường làm nhiệm vụ đều mang theo một túi  nilon chính là quan tài của lính  tàu không số gây cho em ấn tượng khá mạnh. Rồi hình ảnh thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa trong giờ phút quyết tử đã giành cho mình quyền được ở lại, hy sinh cùng con tàu để đồng đội có được con đường sống đã khiến em khâm phục và tự hào”, Thủy tâm sự. Và trong bài dự thi của mình, Thủy đã viết những dòng đầy xúc động: ... “Khi còn sống, họ là những thủy thủ vô danh của tàu không số, không liên lạc với gia đình, không một ai biết. Họ vốn vô danh. Hôm qua vô danh vì sự khắc nghiệt của nhiệm vụ. Hôm nay, họ vô danh giữa cuộc sống bụi bặm, ồn ào… Còn với những người đã vĩnh viễn ra đi giữa lòng đại dương mênh mông, họ không để lại gì, trừ một cái tên. Ngay cả thân xác cũng tan vào bọt biển. Mà không, họ hy sinh và để lại nhiều hơn cả một cái tên. Đó là huyền thoại được dệt bằng tuổi thanh xuân, nhiệt huyết của tuổi trẻ cho ngày toàn thắng...”

Còn với bạn Nguyễn Phương Nam (21 tuổi, sinh viên lớp 08LS khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) có bài dự thi được chọn thi toàn quốc đợt này, tâm sự: “Qua tham gia cuộc thi, em đã hiểu nhiều và sâu sắc hơn về những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ tàu không số. Tàu không chỉ chở tình thương của Đảng, Bác Hồ, quân dân miền Bắc dành cho quân dân miền Nam. Không chỉ chở vũ khí, tàu không số còn chở cả niềm tin thắng lợi mà Đảng gửi gắm, chở cả ánh mắt lo âu, suy nghĩ của Bác và Bộ Chính trị, chở cả một trái tim lớn của hàng vạn đồng bào miền Bắc...”. Và Nam đã viết trong bài dự thi:... “mỗi chuyến tàu ra đi dù cập bến an toàn hay vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi đều là một kỳ tích mà mỗi người tham gia đều xứng đáng là một thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao...”.

Không chỉ là một cuộc thi

Theo Thành Đoàn Đà Nẵng, cuộc thi này có nhiều bài viết đạt chất lượng khá tốt, được đầu tư công phu, đặc biệt là phần nêu cảm nghĩ của bản thân được các bạn viết với niềm xúc động thật sự. Bạn Bích Thủy chia sẻ: “Từ đây, mỗi lần đứng trước biển, lại thấy mình nhỏ bé và lại muốn làm điều gì đó có ích”. Còn Phương Nam thì nói lên suy nghĩ: “Những câu chuyện của các chiến sĩ tàu không số đã đánh thức trong chúng em lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và thấy yêu thêm Biển Đảo quê hương, nơi có bao nhiêu người không tiếc máu xương để giữ gìn. Trước đây, em vẫn còn bỏ phí thời gian vào những trò chơi vô bổ, bây giờ, em sẽ sống có lý tưởng, sống có ích, biết lo cho bản thân và giúp đỡ người khác, không ngừng rèn luyện cả đức lẫn tài để trở thành người có ích cho gia đình, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...”.

Vượt ra khuôn khổ một cuộc thi, đó còn  là những bài học mà các bạn tự rút ra cho mình sau khi hiểu rõ về lịch sử anh hùng của cha ông. Anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Số lượng bài dự thi khá nhiều, trong đó phần lớn là của các bạn trẻ. Như vậy, lịch sử vẫn có sức thu hút, giáo dục rất lớn đối với các bạn trẻ, quan trọng là truyền đạt bằng hình thức nào mà thôi”.

Bài và ảnh: Phương Trà
;
.
.
.
.
.