Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng. Cũng theo ông Ảnh, trong những năm qua, việc thực hiện giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã trao đổi với ông Nguyễn Trường Ảnh về nội dung này.
* P.V: Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính gây thất thoát nước hiện nay?
- Ông Nguyễn Trường Ảnh: Tình trạng thất thoát nước là do rò rỉ đường ống, đường ống bị bể chưa phát hiện sửa chữa… Bên cạnh đó, còn một số trường hợp đấu nối trái phép không qua đồng hồ, nhất là ở các khu dân cư mới, một số hộ đấu trực tiếp vào các điểm chờ sẵn của các lô đất bên cạnh chưa xây dựng để sử dụng. Bể chứa nước ở các khu chung cư thấm, nứt, các van phao hư hỏng cũng gây nên thất thoát nhiều. Ngoài ra, việc quản lý còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống tính tiền không chuẩn xác, đọc đồng hồ bị sai lệch, thu tiền không đủ, không xác định được khối lượng nước khi sử dụng cho các mục đích không kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thoát nước thường chiếm phần lớn là do sự cố kỹ thuật.
* P.V: Vậy ông đánh giá thế nào về thực trạng mạng lưới đường ống cấp nước hiện nay?
- Ông Nguyễn Trường Ảnh: Chất lượng mạng lưới đường ống ảnh hưởng lớn đến việc thất thoát nước. Mạng lưới cũ, chất lượng đường ống, phụ tùng thiết bị thấp sẽ gây nên thất thoát cao. Hiện tại các khu vực mạng đường ống còn khá mới như ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, nhờ công tác quản lý khá chặt chẽ nên tỷ lệ thất thoát thấp hơn 20%. Riêng tại khu vực Hải Châu, Thanh Khê, mạng đường ống phân phối và dịch vụ quá cũ, chất lượng vật tư kém nên tỷ lệ thất thoát cao trên 40%. Ngoài ra, do nền đất cát nên mỗi khi đường ống bị vỡ, nước thấm ngầm rất khó phát hiện để xử lý kịp thời. Mặt khác, sau khi đưa đường ống truyền dẫn mới D500 vào khu trung tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ về lưu lượng và áp lực, khả năng thất thoát nước cũng cao hơn. Hiện nay, do điều kiện kinh phí đầu tư còn khó khăn nên công ty đang tổ chức phân vùng, tách mạng chọn các khu vực có khả năng thất thoát cao để đầu tư, cải tạo thay thế trước. Khi có điều kiện sẽ tiến hành cải tạo, thay thế đồng bộ.
* P.V: Vậy ngành cấp nước phải làm gì để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước dưới 20% vào năm 2015, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trường Ảnh: Qua nhiều năm chống thất thoát nước, công ty đã nhận thấy một số kinh nghiệm, cũng như “giải mã” được một số nguyên nhân gây thất thoát nước như sau: Nếu quản lý tốt được mối quan hệ giữa lưu lượng và áp lực trên mạng lưới đường ống sẽ giảm được tỷ lệ thất thoát. Điều này công ty đã thực hiện khá tốt nhờ theo dõi các biểu đồ áp lực và lưu lượng tại các nhà máy và trên mạng lưới đường ống, điều chỉnh dần ở mức hợp lý nhất. Nhờ vào việc thực hiện quản lý theo mô hình chi nhánh nên công tác sửa chữa ống bể đã được khắc phục, thực hiện nhanh hơn, giảm được thất thoát nước. Nhìn chung trong quản lý, công ty đã có những bước chuyển biến tích cực, làm giảm tỷ lệ thất thoát.
Bên cạnh đó, công ty cũng xác định: Chống thất thoát nước không phải là nhiệm vụ của một vài cá nhân hay phòng ban mà là của tất cả mọi người trong công ty. Để chống thất thoát nước một cách chủ động, đối với công tác thiết kế, lắp đặt mới, công ty yêu cầu các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, sử dụng vật tư chất lượng tốt để sử dụng lâu dài, tránh lặp lại trường hợp như trước đây chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng đã phải thay thế, cải tạo gây tốn kém, lãng phí công sức và tài chính. Bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị, cộng đồng, thành phố cần tìm nguồn tài chính cho việc đầu tư hệ thống đường ống cấp nước. Hiện nay, đầu tư cho chống thất thoát nước như thế là chưa đủ, chưa đồng bộ. Những khu vực nào có đường ống quá cũ thì phải thay thế. Mặt khác, cần có sự đồng thuận, hợp tác nhiều mặt của nhân dân. Cần phải có một cơ chế để cả xã hội, cả thành phố vào cuộc.
* P.V: Cảm ơn ông!
Trọng Hùng (Thực hiện)