.

Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia, rượu: Phải xử lý kiên quyết

.

Theo Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng, trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố xảy ra 178 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 137 người, bị thương 132 người, gây thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng, để lại hậu quả lâu dài, nặng nề cho gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó, say rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông (ĐKPTGT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu...

Mô tả ảnh.
Lực lượng CSGT thành phố kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

 

Nhậu tràn lan...

Cuối tháng 10, sau những cơn mưa dài, trời hửng nắng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát trên các đường phố Đà Nẵng. Ngay từ 17 giờ chiều, các hàng quán từ bình dân đến hạng sang đã nhộn nhịp khách đến nhậu. Ở các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, 2 tháng 9, Bạch Đằng, Hà Huy Tập, 30 tháng 4, bờ hồ bàu Thạc Gián, Nguyễn Hữu Thọ, các tuyến đường ven biển... thì đến khoảng 18 giờ hầu hết các quán nhậu đã đông nghịt khách. Các phương tiện từ xe máy đến ô-tô đỗ chật cứng các hàng quán, tràn cả ra lòng đường.

Có mặt tại khu vực bờ hồ Thạc Gián lúc 17 giờ ngày 24-10, hầu như không quán nào còn bàn trống khi khách đã ngồi chen chúc nhau. Tiếng chuyện trò, tiếng hô hào cổ động, la ó như ong vỡ tổ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân xung quanh. “Lớn tuổi nên vợ chồng chúng tôi thường đi ngủ sớm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tại các quán nhậu lại phát ra những âm thanh: 1, 2, 3 dzô !! coi như vợ chồng tôi khỏi ngủ đêm đó. Khi ra về, họ nẹt-pô ầm ĩ, khuấy đảo cả khu phố rồi phóng xe bạt mạng mà chẳng để ý gì đến an toàn giao thông“, một người dân tại khu vực bờ hồ Thạc Gián cho biết.

Điều đáng nói, nhiều người ý thức được vấn đề nhậu, say rồi ĐKPTGT là vi phạm, song vì ma lực của rượu, bia và vì quan hệ bạn bè, đối tác nên khi đã vào bàn nhậu thì không còn nghĩ đến hậu quả.

Xử lý khó khăn

Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: “Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô  mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe máy, phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với người điều khiển mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở”. Theo Nghị định này thì những người ngồi trong quán nhậu không cần kiểm tra vẫn biết họ vi phạm. Tuy nhiên, để làm triệt để, hạn chế việc sử dụng rượu bia, giảm thiểu TNGT thì không dễ dàng chút nào.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Sau khi Dự án “Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Ban An toàn giao thông thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, lực lượng CSGT đã tổ chức tập huấn phương án xử lý và lập kế hoạch ra quân. Với sự nỗ lực của toàn lực lượng, từ ngày 1-9-2011 đến nay đã kiểm tra trên 2.000 trường hợp, qua đó phát hiện và xử lý khoảng 60 trường hợp vi phạm”.

Hiện tại Phòng CSGT có 8 máy đo nồng độ cồn, còn ở mỗi quận, huyện đều có 1 máy, riêng quận Hải Châu và huyện Hòa Vang được trang bị 2 máy đo nồng độ cồn để làm nhiệm vụ. Thiếu tá Phan Văn Thương cho biết thêm: “Việc kiểm tra nồng độ cồn, trước hết phải chọn địa điểm thông thoáng. Thời gian thực hiện chủ yếu vào buổi chiều tối, ban đêm nên gây khó khăn cho lực lượng trong công tác phát hiện, dừng phương tiện. Tuy nhiên, khi dừng các phương tiện kiểm tra thì những phương tiện khác ở phía sau tìm cách né tránh. Còn đối với những người bị kiểm tra thì đa số không hợp tác, nhiều trường hợp còn chống đối lực lượng công an. Họ viện dẫn lý do rằng, thổi vào ống thổi là mất vệ sinh, nhiều trường hợp quá say xỉn thì thổi hơi không đủ mạnh. Nhiều người khi bị xử phạt thì năn nỉ, bịa ra nhiều lý do để xin tha...”.

Do đó, để giảm thiểu TNGT do sử dụng rượu, bia, cần có chế tài mạnh hơn, xử lý kiên quyết hơn. Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện! Tuy nhiên, “Trong công tác xử lý, chúng tôi lồng ghép công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người ĐKPTGT khi uống rượu, bia. Qua đó, giúp họ nhận thức được rằng, khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe, cách tốt nhất là nhờ người lái giúp hoặc đón taxi về, tránh gây ra TNGT, để lại hậu quả xấu cho gia đình, xã hội”, Thiếu tá Phan Văn Thương chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.