Ngoài nguyên nhân “không đủ sức mua”, nhiều người dân ở Đà Nẵng vẫn chưa mặn mà với Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện do chưa hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh (KCB), thái độ phục vụ của các cơ sở y tế.
Bán BHYT tự nguyện cho người dân tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. |
Chưa “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”
Mua BHYT tự nguyện ở phường Nam Dương, quận Hải Châu, chị Trần Lê Mai nói rằng chị rất không hài lòng khi đến KCB tại bệnh viện (BV) nơi chị đăng ký KCB. Cả bác sĩ lẫn y tá đều hay lớn tiếng và tỏ thái độ coi thường bệnh nhân, khiến chị bất bình và gặp lãnh đạo nơi này để phản ánh. Chị bức xúc: “Ở đó rất nhiều người bị nạt như tôi, nhưng họ đều nín nhịn, chỉ có tôi lên tiếng. Tôi bỏ tiền ra mua BHYT thì phải được phục vụ xứng đáng”. Còn chị Nguyễn Thị Dung ở quận Liên Chiểu, khi đi khám BHYT tại BV Q. cho biết, trong khi các bác sĩ rất tận tình, ân cần dặn dò và phân tích từng loại thuốc, thì nhân viên y tế ngồi ở bàn gọi tên bệnh nhân lại lớn tiếng quát nạt những ai không nghe kịp tên mình. Theo chị Dung, e ngại thái độ phục vụ và chất lượng KCB không tốt là nguyên nhân khiến chị lần lữa mãi mới quyết định mua BHYT vào đầu năm nay.
E ngại của chị Dung cũng là tâm lý chung của nhiều người dân. Dù đã cao tuổi (gần 60 tuổi), đau ốm là chuyện thường ngày, nhưng bà Lê Mỹ Hạnh (Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) vẫn nhất quyết không mua BHYT tự nguyện để giảm chi phí, vì: “Mua BHYT ở địa phương thì chỉ khám ở mấy BV tuyến dưới, chứ đâu tới được BV lớn như BV Đà Nẵng”, bà nói.
Theo ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng, không hài lòng, hoặc nghi ngờ chất lượng KCB là những thực tế gây khó khăn cho việc phát triển đối tượng, dù Đà Nẵng đưa ra mục tiêu là thực hiện BHYT toàn dân với trên 85% số dân tham gia vào năm 2012. Chị Trần Thị Hoa Lý, đại lý thu BHYT tự nguyện phường Phước Ninh, quận Hải Châu cho biết: “Đa số người dân bỏ tiền ra mua BHYT đều muốn về nơi tốt nhất như BV Đà Nẵng hoặc BV C, nên chúng tôi phải giải thích và hướng dẫn để họ chọn các BV khác”.
Không đủ sức mua BHYT
Tuy tại nhiều cơ sở KCB, bộ phận thường trực BHYT thuộc BHXH Đà Nẵng cũng đứng điểm để bệnh nhân có thể phản ánh ý kiến, thắc mắc về chất lượng KCB, thái độ phục vụ… nhưng phòng thường trực lại không nằm ở nơi dễ thấy, nên có bức xúc, hầu hết người bệnh cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Các BV phải đặt phòng thường trực ở nơi thuận tiện nhất và có hướng dẫn cho người bệnh biết vị trí của phòng, để họ dễ dàng giải tỏa vướng mắc thì người dân mới mặn mà với BHYT tự nguyện”, ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Giám định BHYT của BHXH Đà Nẵng kiến nghị.
Ngoài ra, ông Nhân cho rằng, để có thể thực hiện được BHYT toàn dân vào năm 2012, thành phố cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người dân vùng nông thôn và những người không nằm trong diện nghèo nhưng vẫn chưa đủ khả năng mua BHYT tự nguyện do thu nhập không ổn định. Thống kê từ Phòng Thu của BHXH Đà Nẵng cho thấy, trong khi quận trung tâm là Hải Châu có tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện cao nhất là 12,6%, thì tỷ lệ này ở các quận xa trung tâm như Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn lần lượt chỉ là 5,7% và 6,8%.
Theo ông Phan Minh Quý, đại lý thu BHYT tự nguyện phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, với mức giá 448.200 đồng/thẻ/năm, nhiều người dân không thể mua dù ông đã lồng ghép việc phổ biến BHYT tự nguyện vào các cuộc họp ở tổ dân phố và sẵn sàng đến tận nhà để thực hiện đăng ký cho người dân. Vì vậy, lượng người mua BHYT tự nguyện hằng năm tại các cơ sở xã, phường có tăng nhưng không nhiều, theo đánh giá của các đại lý.
Bài và ảnh: HẰNG VANG