.

Phải làm cho người dân biết và hiểu Hiến pháp

.
Sáng 15-10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tổng kết thi hành, sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 với chủ đề “Vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam theo quy định tại Hiến pháp năm 1992”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Trần Đình Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Ông Huỳnh Năm phát biểu tại Hội thảo.
 
Hội thảo đã khẳng định thực tiễn 20 năm thi hành Hiến pháp 1992, những thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước đã chứng minh Hiến pháp 1992 là một sự thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa nước ta thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo. Về vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được quy định tại Điều 9 của Hiến pháp 1992.
 
Nhà nước đã có 54 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết quy định trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong các hoạt động đời sống xã hội, tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam phát huy và khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống chính trị. Hiến pháp 1992 cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với định hướng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phù hợp với xu thế chung của thời đại và thực tiễn tình hình đất nước.

Các ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo hướng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, trong đó bổ sung hoàn thiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Khi thể chế hóa thành luật cần phải có quy định chế tài những việc MTTQ Việt Nam kiến nghị mà không trả lời, không giải quyết. Tại Điều 10 Hiến pháp 1992 có quy định về Công đoàn nhưng không có các tổ chức khác. Việc sửa đổi lần này nên đưa vào những điều quy định về Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên.
 
Theo ý kiến của ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND thành phố, những người soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phải trên cơ sở lợi ích của đất nước, của toàn dân tộc. Cần bổ sung thêm những quyền dân chủ trực tiếp của người dân như trưng cầu dân ý đối với những vấn đề trọng đại của đất nước. Phải bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Sức mạnh của Hiến pháp là bảo đảm cho nhân dân”. Linh mục Nguyễn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đề nghị để bảo đảm quyền của người dân và bảo đảm tính khách quan trong bầu cử các cơ quan đại biểu dân cử nên tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu, tức in tên mỗi ứng cử viên vào một phiếu bầu thay vì in hết tên những người cùng đơn vị bầu cử vào 1 phiếu rồi yêu cầu cử tri gạch bằng bút như hiện nay.

Nhiều ý kiến khác đề nghị phải làm cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn dân. Thực hiện công khai, minh bạch và động viên nhân dân phát huy dân chủ tham gia ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Rút kinh nghiệm trước đây công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp chưa được coi trọng đúng mức. Lần này sau khi sửa đổi, bổ sung phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân được biết và hiểu được Hiến pháp. Coi đây là một công tác nâng cao dân trí trong lĩnh vực pháp luật.                                                                        
 
Tin và ảnh: S.Trung
;
.
.
.
.
.