.

“Tôi muốn cả đời làm đôi mắt của chồng”

.

Hàng chục năm qua, ngày nào chị cũng kể cho anh nghe những câu chuyện của ngày xưa. Dẫu chỉ là những mảnh vụn ký ức được chắp vá lúc quên, lúc nhớ, song cũng làm dịu đi nỗi đau đang âm ỉ trong thân thể người thương binh...

Mô tả ảnh.
Chị Lê Thị Ai bên người chồng thương binh.

 

Lặng lẽ đằng sau...

Với khuôn mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm, có lẽ ai gặp chị Lê Thị Ai (52 tuổi, ở tổ 31, phường Nại Hiên Đông) lần đầu cũng đều có thiện cảm. Chị mời tôi ly nước rồi nhắc anh đi uống thuốc. Đến bây giờ, sức khỏe của anh Bùi Hoan đã khá lên nhiều, nhờ bàn tay chăm sóc của chị. Đôi mắt của anh cũng đã nhìn rõ hơn lúc trước. Bị thương vào mắt nên anh được hưởng chế độ thương binh loại 4/4. Nhưng điều anh không ngờ tới là càng ngày vết thương ở mắt lan ra đầu khiến anh nhiều lúc đi không vững. Đợt anh bị nặng nhất là khoảng cuối năm 2009 khi đang đi bạn (làm thuê) trên thuyền đánh bắt cá gần bờ. Cánh tay trái của anh tự dưng to lên, chảy nước và đau nhức.

Chị liền đưa anh vào Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng để khám và bác sĩ kết luận anh bị tăng huyết áp, rối loạn thần kinh thực vật. Chị kể: Khi ấy, cả người anh lúc nào cũng nóng như phát sốt mặc dù trời không nóng. Anh chạy quanh bệnh viện miệng la lên: “Nóng quá, nóng quá, rút quân đi các đồng chí ơi”. Chị lại phải chạy theo anh, vỗ về, an ủi anh mới chịu về phòng. Rồi những đêm anh đau đớn không ngủ được vì những mũi tiêm, chị lại phải thức trắng, hết kể chuyện ngày xưa lúc quen nhau, rồi xoa bóp cho anh để anh vượt qua cơn đau đang hành hạ. Sau chuyến ấy, anh giảm đi hơn 10kg, người gầy gò xanh xao. Mọi sinh hoạt cá nhân, anh đều không tự làm được.

Đêm nào anh cũng hô to: “Mìn nổ rồi, xông lên tiêu diệt hết chúng nó đi”, rồi chạy quanh nhà, kể chuyện chiến đấu. Chị phải chịu khó ngồi nghe hàng giờ liền, đến nửa đêm anh mới chịu đi ngủ. Chị nói, khổ nhất là lúc đút cho anh ăn, chị phải dỗ dành đủ kiểu, rồi hát, rồi kể chuyện, anh cũng chỉ ăn được lưng bát. Đêm cũng như ngày, anh không hát, không kể chuyện nữa mà... chuyển trạng thái mới: Đi lang thang. Bất kể ngày hay đêm, cứ mở cửa là anh đi. Chị luôn theo sau anh, sợ anh có sơ sẩy thì khổ, bởi mắt anh ngày một yếu, anh lại cằn nhằn: “Tôi chỉ đi mua sữa, bà đi theo tôi làm gì, tôi có sao đâu”. Thế nhưng, anh lại không vào tiệm tạp hóa mà đi ra... bờ sông. Có khi anh đi suốt cả đêm, chị và các con lại phải theo sau anh canh chừng. Tôi hỏi: “ Sao chị không đóng cửa lại, anh ở trong nhà có an toàn hơn không?”. Chị cười hiền: “Đóng cửa vài ngày, thấy anh ấy bứt rứt, khó chịu và khổ sở lắm, lại phải mở cửa cho anh đi. Mình như là đôi mắt của anh ấy vậy”.

Cả đời vì chồng, con

Ngày xưa, chị có khá nhiều người theo đuổi bởi cái dáng thon thả, nước da trắng, đôi mắt đượm buồn xa xăm và giọng hò của người con gái chèo ghe qua bến đưa đò. Vậy nhưng, duyên số cho chị gặp, yêu anh, người lính Cụ Hồ, và chấp nhận cuộc sống vất vả, khó khăn. “Tôi chọn anh cũng bởi yêu cái tính hiền lành, chịu thương chịu khó, không rượu chè, cờ bạc”, chị Ai nhớ lại. Làm dâu trưởng trong một gia đình đông con, chị phải cáng đáng hết thảy mọi việc từ gánh nước, đan lưới, nuôi heo... Rồi 5 người con, 4 trai, 1 gái lần lượt ra đời, khó khăn chồng chất, anh thì đi làm, một tuần mới được về một lần...

Nhấp ngụm trà nóng, chị lại nhắc anh việc nhà. Anh gãi đầu, cười bảo dạo này hay quên. Nhìn cái cách chị chăm sóc anh, ai cũng thầm ghen tỵ với hạnh phúc của họ. Trong căn phòng nhỏ của khu liền kề, vợ chồng anh chị cùng các con, cháu đang sinh sống, ngoài cái ti-vi, xe đạp nhỏ, thì chẳng có gì đáng giá. Chị cho biết, vừa rồi, người em chồng có cho chiếc xe máy cũ thì ưu tiên cho cậu cả đi làm. Khó khăn vẫn còn ở phía trước. Dù tuổi đã cao, anh vẫn phải theo thuyền bạn, chị thì làm công nhân vệ sinh ở xưởng đông lạnh A Siêu để kiếm thêm tiền. Căn bệnh bại ở tay, thấp khớp ở chân cũng đang hành hạ chị. Các con giờ đã lớn, song vẫn chưa đỡ đần được bố mẹ. Dù vậy, chị vẫn nhiệt tình tham gia công tác tổ phó dân phố, tổ trưởng phụ nữ và được chị em rất yêu mến. Với chị, hạnh phúc chỉ đơn giản là được ở bên chồng con và các cháu.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.